HSG xuất khẩu thép sang Mỹ, tuy nhiên không có nhiều thông tin chi tiết – CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG Khả quan) đã xuất khẩu 592.423 tấn thép trong năm 2017 (tăng 17,1%), chiếm 38% tổng sản lượng tiêu thụ. HSC chủ yếu xuất khẩu tôn và ống thép. Công ty không cung cấp nhiều thông tin về hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên chúng tôi hiểu rằng thị trường xuất khẩu chính của HSG là các nước Đông Nam Á. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, công ty cũng đã bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ. HSG không công bố con số chính xác về tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, tuy vậy chúng tôi ước tính kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới này không quá 10% tổng giá trị xuất khẩu. Do đó, công ty cũng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ quy định áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ.
Đồ thị cổ phiếu HSG cập nhật ngày 08/03/2018. Nguồn: Amibroker
HSC dự báo LNST năm 2018 tăng trưởng 22,1% – Cho năm 2018, HSC dự báo công ty sẽ đạt doanh thu thuần 31.668 tỷ đồng (tăng trưởng 21,1%) và LNST đạt 1.626 tỷ đồng (tăng trưởng 22,1%). Các giả định của chúng tôi gồm;
• Sản lượng tiêu thụ sẽ đạt khoảng 1.824.186 tấn thành phẩm, (tăng trưởng 17%), trong đó sản lượng tôn và ống thép tiêu thụ lần lượt là 1.355.247 tấn (tăng trưởng 18,1%) và 424.202 tấn (tăng trưởng 13%). Chúng tôi cũng dự báo sản lượng tiêu thụ ống nhựa là 44.738 tấn (tăng trưởng 25%).
• HSC dự báo giá bán bình quân sẽ tăng 3,5% lên 17,5 triệu đồng/tấn nhờ giá bán từng sản phẩm đều tăng.
• Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhờ quản lý chi phí tồn kho tồn tốt hơn và giảm gia công ngoài CRC. HSC dự báo lợi nhuận gộp đạt 5.555 tỷ đồng (tăng trưởng 25,7%) và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 17,5% tăng từ 16,9% trong năm 2017.
• Lỗ tài chính thuần tăng lên 650,7 tỷ đồng từ mức lỗ 535,3 tỷ đồng trong năm 2017 do chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá tăng 40,6%. Thu nhập tài chính tăng lên 170 tỷ đồng (tăng trưởng 216%) nhờ ghi nhận 100-120 tỷ đồng từ Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept trong 6 tháng đầu năm 2017.
• Chi phí bán hàng & quản lý dự báo là 2.977 tỷ đồng (tăng 28,6%) và chiếm 9,4% doanh thu thuần (năm 2017 tỷ lệ này là 8,8%) để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Cuối cùng, HSC hiện dự báo LNTT và LNST năm 2018 lần lượt là 1.983 tỷ đồng (tăng trưởng 20,7%) và 1.626 tỷ đồng (tăng trưởng 22,1%). Dựa trên tổng cổ phiếu đang lưu hành hiện tại, EPS 2018 là 4.321đ, theo đó P/E dự phóng là 5,4 lần.
KQKD Q1 sát kỳ vọng nhưng kém khả quan – Trước đó HSG đã công bố BCTC Q1/2018 với KQKD sát kỳ vọng, cụ thể doanh thu thuần là 7.887 tỷ đồng (tăng trưởng 36,7%) nhưng LNST chỉ đạt 333,4 tỷ đồng (giảm 24,3%). Kết quả này sát với ước tính của công ty tại ĐHCĐTN với doanh thu thuần là 7.800 tỷ đồng và LNST là 332 tỷ đồng. Theo đó, công ty đã hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 24,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Doanh thu tăng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 14,1% đạt 420.055 tấn và giá bán bình quân tăng 19,8%. Trong khi đó lợi nhuận giảm 24,3% do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh và lỗ tài chính thuần tăng.
Chúng tôi cũng lưu ý một số thay đổi ở các khoản mục khác trên BCTC như sau;
• Phải thu tăng mạnh lên 1.858 tỷ đồng (tăng 61,85% so với đầu năm) – chủ yếu do mở rộng mạnh mẽ hệ thống phân phối bán lẻ gần đây. Tuy nhiên, phải thu dự báo sẽ giảm trước Tết do lương thưởng của bộ phận bán hàng một phần dựa trên phần phải thu còn lại. Phải thu từ các đối tác liên quan cũng tăng mạnh lên 253,6 tỷ đồng từ 485 tỷ đồng vào đầu năm.
• Trả trước cho người bán tăng gấp 3 lần từ 349 tỷ đồng vào đầu năm lên 965 tỷ đồng. Do mua thêm máy móc mới và tăng mua nguyên vật liệu.
• Tồn kho là 9.332 tỷ đồng (tăng 4,8% so với đầu năm) từ 8.898 tỷ đồng vào đầu năm 2018. Do giá nguyên vật liệu cao hơn đồng thời tăng công suất.
Tồn kho tăng mạnh lên 9.008 tỷ đồng vào cuối năm 2017 (tăng 86,2%) – Vào thời điểm cuối năm 2017, giá trị tồn kho là 9 nghìn tỷ đồng, tương đương 21,5 tuần sản xuất và đây là mức tồn kho cao kỷ lục. Diễn biến trong những năm trước cho thấy sau 2 tháng dự trữ tồn kho cao hơn mức thông thường, lợi nhuận của công ty sẽ giảm mạnh. Kết quả này đi ngược lại chính sách tồn kho chủ động, khi mà ban điều hành giữ quan điểm giá đầu vào sẽ tăng trong tương lai. Điều này được phản ánh trong Q2/2016. Và hiện chúng ta đang thấy xu hướng ngược lại.
HSG có thể sẽ hạch toán lợi nhuận không thường xuyên trong năm nay – HSG có thể sẽ hạch toán lợi nhuận không thường xuyên trong năm nay; cụ thể là:
(1) Cảng quốc tế Hoa Sen Gemadept – Trong một tuần trước, HSG đã ký hợp đồng chính thức với người mua. Năm ngoái, công ty đã ký biên bản ghi nhớ và nhận 10% tiền đặt cọc. Công ty dự kiến sẽ hạch toán khoản lãi khoảng 110 tỷ đồng từ thương vạu này (dự kiến sẽ hoàn tất trong Q2/2018).
(2) Công ty đang tìm kiếm người mua cho 3 dự án BĐS tại quận 2 và quận 9, TP HCM.
– Khu đất rộng 969 m2 tại đường Trần Não, quận 2 được định giá là 180 tỷ đồng trong khi giá gốc chỉ là 70 tỷ đồng.
– Công ty còn dự kiến bán 2 khu đất tại quận 9 (Phước Long B với diện tích 8.000 m2 và Hoa Sen Riverview với diện tích 15.000 m2) trong năm nay. Công ty đã đầu tư khoảng 45 tỷ đồng vào mỗi dự án.
Công ty đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức – HSG gần đây đã có công bố về việc chi trả cổ tức, cụ thể công ty sẽ trả cổ tức bằng tiên mặt với tỷ lệ 10% mệnh giá (cổ tức đã được phê duyệt tại ĐHCĐ gần đây là 20% mệnh giá). Và cổ tức tiền mặt sẽ được chi trả trong hai đợt như sau:
– Đợt 1 – 5% mệnh giá, tương đương 500đ/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày đăng ký cuối cùng lần lượt là ngày 30/3 và 2/4/2018. Ngày chi trả là ngày 16/4/2018.
– Đợt 2 – 5% mệnh giá, tương đương 500đ/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày đăng ký cuối cùng lần lượt là ngày 11/5 và 14/5/2018. Ngày chi trả là ngày 29/5/2018.
Về việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều khả năng công ty sẽ hoàn tất trước ngày 16/7/2018 và ngày giao dịch không hưởng quyền có thể là trong tháng 6.
Quan điểm đầu tư – Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 30.247đ, tương đương P/E dự phóng là 7 lần, tương đương cao hơn thị giá hiện tại 29,2%. Định giá cổ phiếu hiện rất hấp dẫn với P/E dự phóng 2018 là 5,4 lần. KQKD Q1 kém khả quan và dĩ nhiên lo ngại đối với khả năng áp thuế nhập khẩu thép từ Mỹ đã dẫn đến tâm lý bất ổn đối với cổ phiếu. Trong khi đó những ảnh hưởng từ tình trạng tồn kho nguyên vật liệu chi phí cao vẫn ám ảnh NĐT. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng Q1 đã là đáy giảm và dự báo lợi nhuận sẽ phục hồi trong tương lai. Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu ngắn hạn là việc ghi nhận 100-120 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên từ Cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept (dự kiến trong Q2 năm nay), bên cạnh đó là lợi nhuận không thường xuyên khác từ thoái vốn tại các dự án BĐS ở Quận 2 và Quận 9. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng mức tồn kho lớn, phải thu cao và một số vấn đề về quản trị doanh nghiệp là những điểm lo ngại trong hiện tại. Bên canh đó chúng tôi nhận thấy công ty liên tục mở rộng công suất đối với các sản phẩm chủ chốt và sản lượng mới được tiêu thụ tốt trên thị trường. Do đó, chúng tôi cho rằng HSG, cùng với HPG sẽ từng bước tái cơ cấu thị trường vốn phân mảnh này và thậm chí cả hai công ty cũng đang mở rộng thêm công suất cho tôn mạ.
Nguồn: HSC