Lên sàn vào năm khu vực cảng Hải Phòng hưởng lợi từ “yếu tố hàng lạnh”, cổ phiếu CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH-HSX) từng tăng mạnh 50-60% so với giá chào sàn vào tháng 03/2015. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, quy hoạch không đồng bộ tại khu vực cảng biển này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa 10-12 cảng trên cùng một lưu vực sông. Trong bối cảnh hàng hóa tăng chậm hơn kì vọng, các cảng nhỏ nằm ở thượng nguồn, trong đó có HAH, là đối tượng chịu tác động mạnh nhất.
Đồ thị cổ phiếu HAH cập nhật ngày 22/08/2017. Nguồn: AmiBroker
Lường trước viễn cảnh bất lợi này, HAH đã “hành động” chuyển dần từ mô hình “hoạt động thuần cảng biển” sang cung cấp “các gói dịch vụ logistics door-to-door” tận dụng lợi thế cạnh tranh riêng để mang về nhiều GTGT hơn. Thực tế, nếu chỉ dựa vào cảng biển, triển vọng tăng trưởng doanh thu và LN của HAH được đánh giá không khả quan do (1) sản lượng bốc xếp tại cảng không thể tăng trưởng do hạn chế về quy mô và (2) tỉ trọng nguồn hàng XNK có giá dịch vụ tốt giảm dần sẽ kéo biên LN của Công ty giảm theo.
Để đảm bảo nguồn hàng cho cảng, HAH đã đầu tư tàu Hai An Song (787 Teus) và Hai An Park (1121 Teus) vận chuyển cotainer đường biển Bắc- Nam từ năm 2015. Đến Q4/2016, Công ty tiếp tục đầu tư thêm tàu Hai An Time (1032 Teus) và trong tháng 5/2017, HAH mở rộng lên 5 tàu khi mua thêm tàu Hai An Bell (1200Teus) và Hai An Fair (1688Teus). Theo thống kê chúng tôi thu thập, đội tàu container mang cờ Việt Nam cả nước đến cuối năm 2016 chỉ khoảng 33 tàu với tổng năng lực gần 20.000Teus (600Teus/tàu). Như vậy, nếu tính hai tàu vừa đầu tư, HAH đang sở hữu gần 1/3 năng lực vận tải cotnainer nội địa tại Việt Nam. Ngoài ra, với tải trọng bình quân 1000 Teus/tàu, đội tàu của HAH có thể đảm bảo 02 điều kiện quan trọng là lịch tàu hàng tuần và thời gian vận chuyển hàng hóa ngay cả trong thời tiết xấu. Mặt khác, lĩnh vực vận tải nội địa tại Việt Nam đang được bảo hộ theo chính sách của Bộ GTVT, do đó, hạn chế sự cạnh tranh từ đội tàu vận tải quốc tế.
Về mặt thị trường, Công ty đánh giá nhu cầu vận tải biển nội địa Bắc –Nam (Hải Phòng- Cái Mép- TPHCM-Hải Phòng) còn dư địa phát triển rất lớn do có chi phí thấp và vận chuyển được khối lượng hàng lớn. Nhờ sở hữu cảng biển, HAH khá chủ động trong xây dựng lịch tàu và cạnh tranh về phí dịch vụ vận chuyển door-to-door hơn các đơn vị chỉ hoạt động thuần vận tải. Đối với kế hoạch mở rộng, Công ty sẽ đầu tư 01 Depot ở KCN Nam Đình Vũ (TMĐT 25 triệu USD) theo hình thức liên doanh (HAH nắm 51% vốn liên doanh 15 triệu USD). Ngoài ra, Công ty cũng sẽ đầu tư một Depot ở Tân Thành – Vũng Tàu rộng 15ha (VĐT ban đầu 50 tỷ đồng). Hai dự án kho bãi này nằm ở vị trí chiến lược sân sau của cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép dự báo sẽ là điểm tập kết và giao nhận hàng hóa bận rộn trong tương lai.
HAH đang có những bước tiến đầu tiên (trước mắt là mảng vận tải hàng nội địa) để thâm nhập vào thị trường logistics tiềm năng nhưng rất “cạnh tranh” ở Việt Nam. Về KQKD 2017, động lực tăng trưởng LN sẽ đến từ mảng vận tải container với năng lực đội tàu được mở rộng. Đóng góp LN từ mảng cảng kì vọng sẽ không thay đổi so với cùng kì mặc dù sản lượng bốc xếp có thể tăng 11% đạt 360 nghìn Teus như kế hoạch nhưng giá cước lại giảm 5-8% so với cùng kỳ.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng kế hoạch lãi ròng 150 tỷ trong năm 2017 là thách thức nhưng có thể đạt được. Tại VĐL gần 340 tỷ đồng, EPS năm 2017 ước tính 4.100 đồng (P/E forward 5,6x). Hiện tại, chúng tôi cho rằng nguyên nhân NĐT chiết khấu khá mạnh giá cổ phiếu HAH là do (1) rủi ro mảng kinh doanh vận tải container cao hơn cảng biển nhưng LN lại không tương xứng, (2) khả năng mở rộng cảng hiện hữu hạn chế, (3) áp lực treo bán gần 22% VĐL HAH từ TMS kéo dài và (4) hiệu quả sử dụng vốn ngắn hạn của HAH có thể bị ảnh hưởng khi Công ty phát hành tăng vốn thêm 17 triệu cổ phần để đầu tư hai dự án Depot kể trên. Tuy vậy, với một doanh nghiệp có lịch sử sử dụng vốn hiệu quả cao như HAH, kì vọng về một kịch bản tích cực đối với triển vọng kinh doanh của HAH trong các năm tới là khả thi. Ngay cả khi phát hành thêm 17 triệu cổ phần, EPS pha loãng tính trên LN 2017 tương đương 2.730 đồng (P/E ~8,4 lần) vẫn hấp dẫn so với trung bình ngành.
Nguồn: Rongviet Research