Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2020
KQKD Q2/2020 của FRT kém, với doanh thu thuần là 3,204 tỷ đồng (giảm 19,7% so với cùng kỳ) và lỗ thuần là 18 tỷ đồng (so với lợi nhuận thuần đạt 104 tỷ đồng trong Q2/2019). Doanh thu thuần của chuỗi cửa hàng ĐTDĐ giảm trong khi việc mở rộng chuỗi nhà thuốc và chi phí lãi vay cao cũng tác động tiêu cực đến doanh thu.
Đồ thị cổ phiếu FRT phiên giao dịch ngày 05/08/2020. Nguồn: AmiBroker
Doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2020 giảm xuống còn 7.297 tỷ đồng (giảm 8,8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần giảm xuống còn 19 tỷ đồng (giảm 88,1%). KQKD này thấp hơn 74% so với dự báo lợi nhuận thuần nửa đầu năm 2020 của chúng tôi.
Doanh thu thuần nửa đầu năm 2020 đạt 47,0% dự báo cả năm của chúng tôi là 15.522 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần chỉ đạt 13,1% dự báo cả năm của chúng tôi là 146 tỷ đồng.
Doanh thu FPTshop sụt giảm 23%
Trong Q2/2020, chúng tôi ước tính rằng FPTshop có doanh thu thuần là 2.971 tỷ đồng (giảm 23,4% so với cùng kỳ). Điều này là do việc đóng cửa 170 cửa hàng vào tháng 4 và doanh thu/cửa hàng giảm.
Doanh thu/cửa hàng/tháng giảm 25,9% so với cùng kỳ từ 2,4 tỷ đồng/tháng trong Q2/2019 xuống còn 1,7 tỷ đồng/tháng trong Q2/2020 do (1) nhu cầu mua ĐTDĐ sụt giảm, đặc biệt là với dòng sản phẩm cao cấp và (2) hầu hết các cửa hàng bị đóng đều là cửa hàng lớn và có doanh số cao hơn các cửa hàng nhỏ.
Doanh thu của Long Châu tăng 153%
Chuỗi cửa hàng dược phẩm Long Châu có doanh thu thuần đạt 233 tỷ đồng (tăng 152,7% so với cùng kỳ) trong Q2/2020 nhờ mở rộng chuỗi cửa hàng. FRT đã mở 52 cửa hàng mới trong Q2/2020, nâng số lượng cửa hàng Long Châu lên 135 vào cuối tháng 6 (tăng 297,1% so với năm trước).
Bảng 1: KQKD 6 tháng đầu năm 2020 của FRT
Bảng 2: Doanh thu chuỗi điện thoại di động của FPTshop
Bảng 3: Doanh thu chuỗi dược phẩm Long Châu
Doanh thu/cửa hàng giảm 24,0% xuống còn 0,8 tỷ đồng/tháng trong Q2/2020, so với 1,0 tỷ đồng/tháng trong Q2/2019; điều này là do các cửa hàng mới mở cần có thời gian để tạo ra doanh thu.
FRT kỳ vọng rằng doanh thu/cửa hàng sẽ nhanh chóng trở lại mức 1,1-1,2 tỷ đồng/tháng sau giai đoạn mở rộng nhanh chóng này. Theo quan điểm của chúng tôi thì điều này có thể đạt được, vì nhu cầu về thuốc và khẩu trang, v.v. sẽ được thúc đẩy bởi sự trở lại của dịch COVID-19.
Tỷ suất EBIT gần bằng 0
Do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm và với sự đóng góp của doanh thu bán thuốc tăng lên 7,3% trong Q2/2020 so với 2,3% trong Q2/2019, tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ, tăng lên 14,5% trong Q2/2020 so với 14,0% trong Q2/2019.
- Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng vọt lên 14,3% so với 10,5% trong Q2/2019 do:
- Mở rộng của chuỗi Long Châu. Do doanh thu cần thời gian để tăng lên, chuỗi nhà thuốc sẽ có tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu cao hơn so với chuỗi ĐTDĐ, đặc biệt là tỷ lệ chi phí lao động/doanh thu. Trong Q2/2020, tỷ lệ chi phí lao động/doanh thu tăng lên 6,6%, so với 4,6% trong Q2/2019.
Chi phí cố định/doanh thu của FPTshop cao hơn trong thời gian thực hiện lệnh đóng cửa, khi 170 cửa hàng bị đóng.
Với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng lên, tỷ suất EBIT rất nhỏ, chỉ ở mức 0,1% trong Q2/2020, so với 3,5% trong Q2/2019. Trên thực tế, EBIT của Q2/2020 rất thấp, chỉ đạt 3 tỷ đồng.
Bên cạnh tỷ suất EBIT gần như bằng 0, chi phí tài chính thuần cũng tăng 42,6% so với cùng kỳ (do chi phí lãi vay tăng 15,5% so với cùng kỳ) đã tạo ra khoản lỗ 18 tỷ đồng trong Q2/2020.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương
Vốn lưu động được quản lý tốt hơn trong Q2/2020. Hàng tồn kho giảm đáng kể xuống còn 2,335 tỷ đồng (giảm 22,9% so với quý trước) và các khoản phải thu cũng giảm xuống còn 834 tỷ đồng (giảm 21,7% so với quý trước). Điều này đã giúp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện đáng kể, từ mức âm 134 tỷ đồng trong Q1/2020 lên 677 tỷ đồng trong Q2/2020.
Các khoản nợ giảm hơn 1.200 tỷ đồng (giảm 32,0% so với quý trước)
Một tín hiệu tốt khác là nợ vay đã giảm. Thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ đã giảm 32% so với quý trước xuống còn 2.594 tỷ đồng nhờ nhu cầu vốn lưu động thấp hơn. Do đó, chi phí lãi vay đã giảm 20% so với quý trước còn 35 tỷ đồng, mặc dù vẫn tăng 15,5% so với cùng kỳ. Đối với một công ty sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều như FRT, giảm được bất kỳ khoản nợ nào cũng có ý nghĩa. Nếu Công ty có thể duy trì mức nợ này trong nửa cuổi năm 2020, chi phí lãi vay của năm 2020 sẽ giảm 4% so với 2019.
Duy trì đánh giá Nắm giữ, giá mục tiêu và các ước tính
Chúng tôi hiện đánh giá Nắm giữ cho Cổ phiếu FRT với giá mục tiêu là 15.400đ. Chúng tôi duy trì giữ dự báo doanh thu thuần năm 2020 là 15.522 tỷ đồng (giảm 6,7%) và lợi nhuận thuần là 146 tỷ đồng (giảm 31,4%). Trong năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu thuần là 17.552 tỷ đồng (tăng 13,1%) và lợi nhuận thuần là 215 tỷ đồng (tăng 46,9%).
Nguồn: HSC