Đánh giá tích cực triển vọng kinh doanh của CTI do tính ổn định cao của các dự án thu phí BOT và tiềm năng tăng trưởng của mảng xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đồ thị cổ phiếu CTI phiên giao dịch ngày 08/12/2016. Nguồn: AmiBroker
Sau giai đoạn tăng mạnh, giá cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI-HSX) gần đây đã có những sự điều chỉnh đáng kể. Theo chúng tôi, nếu HĐKD và triển vọng doanh nghiệp không thay đổi, biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ là cơ hội mua tốt cho NĐT có ý định nắm giữ lâu dài đối với CTI.
Theo cập nhật của chúng tôi, HĐKD cốt lõi của CTI đến tháng 9 nhìn chung vẫn khá tích cực. Doanh thu thu phí BOT tiếp tục gia tăng với tỉ trọng trong tổng doanh thu tăng lên 37% từ 32% so với cùng kỳ 2015. Trong 03 dự án BOT đang thu phí, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của BOT tỉnh lộ 16 và BOT Đường Tránh QL1. Do các trạm này đều nằm tại các trục giao thông đầu mối của Đồng Nai và công tác siết tải trên các tuyến đường kết nối (QL1A và QL51) khá chặt chẽ nên số lượng đầu xe qua 02 trạm này luôn duy trì ở mức cao, thậm chí cao hơn phương án tài chính ban đầu của dự án.
Đối với dự án BOT 91A và 91B, CTI đã thu phí cấu phần 91A từ đầu Q2/2016 và đang thực hiện nghiệm thu tuyến 91B để đưa vào thu phí trong tháng 12/2016. Doanh nghiệp cho biết lưu lượng xe trên tuyến này không đột biến nhiều so với phương án ban đầu do hoạt động SXCN tại miền Tây trong ngắn hạn chưa thể sôi động như tại khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, lưu lượng xe qua lại trên tuyến chủ yếu đến từ các doanh nghiệp chế biến nông thủy sản và phương tiện vãng lai vào các dịp lễ hội trong năm.
Sang năm 2017, mảng thu phí của CTI sẽ có thêm động lực tăng trưởng từ trạm BOT 91B (khoảng 100 tỷ/năm) và BOT Đường vận chuyển VLXD (dự kiến thu từ giữa năm 2017). Về cơ bản, các dự án BOT không những mang lại dòng tiền ổn định mà còn tạo ra được nguồn công việc cho mảng xây lắp của Công ty mẹ từ hoạt động duy tu thường xuyên và định kỳ. Một trong những mối quan ngại đối với các chủ đầu tư BOT hiện nay là áp lực giảm mức phí thu từ người dân và các công ty vận tải. Về vấn đề này, CTI sẽ chỉ phải giảm phí đối với BOT Đoạn tránh QL1A do lưu lượng dự án này khá khả quan. Đồng thời, chỉ xe nhóm 4 (container 20 ft và trên 10-18 tấn) và nhóm 5 (container 40ft và xe 18 tấn trở lên) được điều chỉnh giảm cước (10-20%) và theo CTI, cơ cấu 2 nhóm xe này qua trạm không nhiều nên sẽ không tác động trọng yếu lên KQKD của toàn dự án.
Mảng xây lắp của CTI trong năm 2016 chủ yếu ghi nhận doanh thu từ gói thầu BOT 91A và 91B và một phần từ BOT đường vận chuyển VLXD của Công ty con. Tổng giá trị thi công đã ghi nhận trong 9T2016 là 446 tỷ đồng, đạt khoảng 80% doanh thu dự báo năm 2016 của chúng tôi cho mảng này. Nguồn công việc xây lắp trong năm 2017 của CTI nhìn chung vẫn khá dồi dào, chủ yếu từ các dự án: Khu NƠXH Tam Hòa (VĐT: 300 tỷ đồng), BOT 319 (VĐT: 700 tỷ đồng) và phần còn lại của BOT Đường vận chuyển VLXD (VĐT: 150 tỷ đồng). Nhờ đó, doanh thu xây lắp trong năm tới vẫn sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Để huy động vốn cho các dự án, CTI sẽ phát hành tăng VĐL thêm 200 tỷ đồng trong năm 2017. Với giá phát hành không thấp hơn đợt phát hành 2016, rủi ro pha loãng cổ phiếu của cổ đông hiện hữu cũng không đáng kể. Dự án NOXH Tam Hòa theo hình thức BT đã được UBND Tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép và sẽ khởi công trong Q1/2017. Biên LN của dự án này dự kiến chỉ khoảng ~10% và CTI sẽ được tỉnh thanh toán theo từng giai đoạn nên áp lực dòng tiền trong suốt quá trình đầu tư được giảm đi. Dự án này một mặt tạo ra công việc cho mảng xây lắp mặt khác lại giúp CTI xây dựng uy tín và chứng minh đối với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi cho việc đấu thầu các công trình có vốn Nhà Nước trong tương lại. Trong khi đó, dự án BOT 319 Long Thành đã hoàn thành 70% việc GPMB ( báo cáo UBND Đồng Nai tỉnh tháng 11/2016) và dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để CTI thi công trong Q1/2017.
Tóm lại, chúng tôi đánh giá tích cực triển vọng kinh doanh của CTI do tính ổn định cao của các dự án thu phí BOT và tiềm năng tăng trưởng của mảng xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sự chuyển dịch từ một đơn vị thi công công trình giao thông sang chủ đầu tư và nhà sản xuất VLXD đem lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho CTI. Trong ngắn hạn, yếu tố cần theo dõi đối với CTI vẫn là tiến độ và hiệu quả của các dự án cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Nhìn chung, các dự án đầu tư của CTI vẫn theo đúng kế hoạch trong khi KQKD duy trì ổn định. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên mức dự phóng LNST 2016 và 2017 và giá mục tiêu của CTI là 36.000 đồng như trong báo cáo ngày 27/9/2016.
Nguồn: Rongviet Reaseach