Giá cổ phiếu BIDV (BID Nắm giữ) đã tăng trần hôm nay trước tin đồn về việc kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% vốn cấp 1 của Ngân hàng sắp hoàn tất. Trước đó thị trường cho rằng kế hoạch này cũng đang ở vào giai đoạn cuối cùng. Một số NĐT kỳ vọng giá bán có thể cao hơn đáng kể so với thị giá cổ phiếu hiện tại. Tuy nhiên, Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng hơn và cho rằng thương vụ này có thể được thực hiện với giá sát giá đóng cửa hiện tại của cổ phiếu.
Đồ thị cổ phiếu BID cập nhật ngày 31/08/2017. Nguồn: AmiBroker
Không có thông tin về giá phát hành nhưng chúng tôi giả định giá phát hành sát giá giao dịch cổ phiếu hiện tại – Chẳng hạn, nếu đợt phát hành vốn tăng 10% vốn cấp 1 này được thực hiện với giá 20.700đ/cp (giá đóng cửa hôm nay), thương vụ này sẽ;
• Tăng vốn điều lệ thêm 10% lên 37,98 nghìn tỷ đồng.
• Theo đó hệ số CAR là 9,6% theo ước tính của chúng tôi
• Tăng thặng dư vốn cổ phần thêm 4.064 tỷ đồng.
Thông tin về nhà đầu tư tiềm năng cũng không rõ ràng và thị trường cho rằng đây có thể là một ngân hàng Hàn Quốc. Dự đoán trên cũng khá hợp lý trong bối cảnh thực tế hiện này các ngân hàng toàn cầu gần đây đang có xu hướng bán cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam. Trái lại, các ngân hàng Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á lại có vẻ mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách trực tiếp và gián tiếp thông qua mua cổ phần tại các ngân hàng trong nước.
Cho năm 2017, Chúng tôi dự báo LNTT đạt 7.784 tỷ đồng (tăng trưởng 0,65%). Dự báo của chúng tôi dựa trên các giả định sau:
1. Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 17% và đạt 846 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cũng dự báo huy động khách hàng tăng 22% và đạt 885 nghìn tỷ đồng.
2. Theo đó, hệ số LDR thuần được cải thiện nhẹ xuống mức 95,6%.
3. Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM giữ nguyên ở 2,75% mặc dù tỷ lệ NIM trong 6 tháng đầu năm ở mức tốt do lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong nửa cuối năm sau khi NHNN giảm các lãi suất điều hành.
4. Chúng tôi dự báo thu nhập lãi thuần đạt 28.191 tỷ đồng (tăng trưởng 18,76%).
5. Tổng thu nhập ngoài lãi giảm 8,72% còn 6.200 tỷ đồng do không còn khoản thu nhập không thường xuyên từ thoái vốn khỏi liên doanh VID.
6. Chúng tôi dự báo chi phí hoạt động dự báo tăng 7% lên 14.468 tỷ đồng.
7. Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng là 12.068 tỷ đồng (tăng 30,14%). Trong đó, 7.695 tỷ đồng là dự phòng chung và dự phòng cụ thể cho vay khách hàng (tăng 53,94%) và 4.265 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (tăng 4,03%).
8. Dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,40% từ mức 1,96% vào cuối năm 2016.
9. Chúng tôi giả định khả năng lớn nhất là BID sẽ tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho NĐT tài chính. Theo đó, chúng tôi giả định hệ số CAR là 9,6% vào cuối năm 2017.
Theo đó, BVPS sẽ là 14.404đ và EPS là 1.311đ cho năm 2017.
Cho năm 2018, Chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 13,66% đạt 8.847 tỷ đồng dựa trên các giả định sau:
1. Chúng tôi dự báo tăng trưởng cho vay khách hàng là 17% đạt 990,67 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng tiền gửi khách hàng là 20% đạt 1,063 nghìn tỷ đồng.
2. Hệ số LDR thuần được cải thiện xuống còn 93,2%.
3. Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM là 2,61% (năm 2017 là 2,75%).
4. Do đó, thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng 11,61% đạt 31.463 tỷ đồng.
5. Và chúng tôi dự báo tổng thu nhập ngoài lãi giảm 3,29% còn 5.929 tỷ đồng.
6. Chi phí hoạt động dự báo là 17.362 tỷ đồng (tăng 20%).
7. Chúng tôi dự báo tổng chi phí dự phòng giảm 7,35% xuống 11.182 tỷ đồng.
8. Theo đó, LNTT sẽ là 8.847 tỷ đồng (tăng trưởng 13,66%).
Từ những giả định trên, BVPS dự phóng 2018 là 15.056đ và EPS là 1.421đ.
Quan điểm đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Nắm giữ. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu BID là 20.000đ; tương đương P/B là 1,4 lần. Triển vọng tăng vốn cấp 1 trong năm nay là cao và hy vọng chất lượng tài sản được cải thiện trong tương lai nhờ Ngân hàng tích cực hơn trong công tác trích lập dự phòng. Theo đó Ngân hàng sẽ cải thiện dần các hệ số an toàn tài chính. Chúng tôi cũng giả định Ngân hàng sẽ không phải trả cổ tức tiền mặt từ năm sau theo quy định mới gần đây. Khả năng tăng vốn cấp 1 ngay trong nửa cuối năm nay sẽ tạo điều kiện để quy mô tài sản của BID tăng thêm. Trong khi đó việc được phép giữ lại lợi nhuận mà không chi trả cổ tức tiền mặt giúp Ngân hàng có thể tích cực hơn trong trích lập dự phòng. BID vẫn phải xử lý một số khoản nợ xấu từ trước để lại, chủ yếu liên quan đến nhiều dự án của DNNN. Và do ban lãnh đạo chú trọng xử lý nợ xấu nên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ khiêm tốn. Và trong tương lai BID sẽ cần tiếp tục tăng vốn để chuẩn bị áp dụng Basel 2. Do vậy chúng tôi cho rằng cổ phiếu BID vẫn còn rủi ro pha loãng.
Nguồn: HSC