Sự kiện: Công bố KQKD Q4/2022 vào ngày 30/1
BID đã công bố LNTT Q4/2022 tăng mạnh đạt 5.381 tỷ đồng (tăng 88% so với cùng kỳ nhưng giảm 21% so với quý trước), chủ yếu nhờ tổng thu nhập HĐ tăng trưởng tốt (tăng 16% so với cùng kỳ) và chi phí dự phòng giảm (giảm 24% so với cùng kỳ). Điều đáng chú ý là chi phí dự phòng giảm trong quý là động thái hợp lý vì chất lượng tài sản của BID đã cải thiện rất nhiều.
Đồ thị cổ phiếu BID phiên giao dịch ngày 09/02/2023. Nguồn: AmiBroker
LNTT cả năm 2022 đạt 23.058 tỷ đồng (tăng trưởng 70%), bằng 102% dự báo của HSC (về cơ bản sát dự báo).
Tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt trong Q4
Tổng tín dụng tăng 12,1% so với cùng kỳ (tăng 2% so với quý trước) đạt hơn 1,535 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,4% so với cùng kỳ (tăng 2% so với quý trước) đạt 1,522 triệu tỷ đồng trong khi TPDN vẫn gần như giữ nguyên tại 13 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 1% tổng tín dụng). BID đã gần sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 (12,7%).
Cho vay KHCN là động lực tăng trưởng tín dụng chính, đóng góp xấp xỉ 45% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm 2022, tăng từ 42% tại thời điểm cuối tháng 6/2022.
Về mặt huy động, tiền gửi khách hàng tăng 4,3% so với quý trước (tăng 6,8% so với cùng kỳ) trong khi vốn huy động từ thị trường LNH giảm 21% so với quý trước (tăng 82% so với cùng kỳ) xuống còn 179 nghìn tỷ đồng.
Bảng 1: Tóm tắt KQKD Q4/2022, BID
Với lãi suất tiền gửi tăng, vốn huy động từ tiền gửi khách hàng đã tăng tốc trong Q4/2022, từ đó giúp cải thiện thanh khoản cho BID nhưng cũng đã ảnh hưởng đến sự cải thiện của tỷ lệ NIM.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm cuối Q4/2022 gần như bằng cùng kỳ năm ngoái, ở mức 18,9%.
Tỷ lệ NIM vẫn được giữ vững
Tỷ lệ NIM Q4/2022 tăng 4 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ) đạt 2,93% với lợi suất gộp tăng 61 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 82 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và chi phí huy động tăng 51 điểm cơ bản so với quý trước (tăng 56 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Tỷ lệ NIM cả năm 2022 giảm nhẹ xuống còn 3% từ 3,03% trong năm 2021.
Tóm lại, thu nhập lãi thuần Q4/2022 vẫn tăng 34% từ nền thấp trong Q4/2021 và đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, theo đó thu nhập lãi thuần cả năm 2022 đạt 56,1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20%), cao hơn 4% so với ước tính của HSC.
Thu nhập ngoài lãi giảm trong kỳ
Tổng thu nhập ngoài lãi Q4/2022 giảm 28% so với cùng kỳ xuống còn 3.148 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần HĐ dịch vụ giảm 22% so với cùng kỳ xuống còn 1.441 tỷ đồng vì ảnh hưởng từ chính sách miễn phí giao dịch áp dụng từ đầu năm 2022 cộng với nhu cầu sử dụng dịch vụ giảm (là xu hướng chung của ngành trong Q4/2022). Trong khi đó, lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 72% so với cùng kỳ đạt 1.129 tỷ đồng nhờ nhu cầu mua bán ngoại tệ tiếp tục ở mức cao. Thu nhập khác (chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng trích lập cho tài sản có vấn đề) giảm 72% so với cùng kỳ xuống còn 362 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện năm 2022 thấp hơn ước tính của HSC, chỉ đạt 89% dự báo.
Chi phí HĐ tăng vừa phải và trong vòng kiểm soát
Tổng chi phí HĐ Q4/2022 tăng 23% so với cùng kỳ lên 7.578 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí lương tăng 31% so với cùng kỳ lên 4.210 tỷ đồng và chi phí quản lý khác tăng 25% so với cùng kỳ lên 1.833 tỷ đồng. Trong kỳ, số lượng nhân viên đã tăng 1,1% lên 28.435 người từ 28.120 người tại thời điểm cuối Q3/2022.
Tỷ lệ CIR tăng lên 42,9% từ 31,1% trong Q3/2022 nhưng diễn biến này chỉ là tạm thời và vẫn trong vòng kiểm soát vì HSC tin rằng chi phí HĐ tăng có thể là do tăng thêm thưởng cho nhân viên vì quá trình tái cơ cấu đạt kết quả tốt.
Chất lượng tài sản duy trì ở mức tốt
Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống còn 1,16% (từ 1,35% tại thời điểm cuối Q3/2022) còn tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng nhẹ lên 1,68% từ 1,25%. Chất lượng tài sản của BID vẫn được duy trì ở mức tốt nhờ tỷ trọng tín dụng dành cho doanh nghiệp BĐS (2,3% tổng dư nợ) và TPDN (1% tổng tín dụng) thấp.
Hệ số LLR vẫn ở mức cao là 217%, tăng so với mức 214% tại thời điểm cuối Q3/2022.
Chi phí dự phòng Q4/2022 giảm 24% so với cùng kỳ xuống còn 4.721 tỷ đồng; tương đương chi phí tín dụng theo năm là 1,67% (năm 2021 là 2,29% và giai đoạn 2018-2021 là trên 2%). Chi phí tín dụng năm 2022 giảm là nhờ kết quả quá trình tái cơ cấu đạt ấn tượng. Vì vậy, HSC cho rằng chi phí dự phòng Q4/2022 thấp là có cơ sở.
HSC duy trì khuyến nghị, giá mục tiêu và dự báo
Cổ phiếu BID hiện có P/B dự phóng năm 2023 là 1,82 lần; cao hơn 47% so với CTG nhưng thấp hơn 27% so với VCB.
Giá cổ phiếu BID đã tăng 31% trong 3 tháng qua nên hiện rủi ro giảm giá so với giá mục tiêu của HSC là 9%. Do vậy, hiện chúng tôi sẽ xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu sau khi đánh giá sâu hơn KQKD và triển vọng của Ngân hàng.
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.