DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu BID – Công bố KQKD khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm

Lượt xem: 1,454 - Ngày:

BID công bố KQKD khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm. Nhiều khả năng sẽ thực hiện tăng vốn cấp 1 trong 6 tháng cuối năm. Nâng đánh giá lên Nắm giữ. NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – Nâng đánh giá từ Kém khả quan lên NẮM GIỮ) công bố LNTT hợp nhất 6 tháng đầu năm tăng khiêm tốn. Nhìn chung sát dự báo và tương đương 48,61% dự báo ban đầu về LNTT cả năm của Chúng tôi.
Cập nhật cổ phiếu BID - Công bố KQKD khiêm tốn trong 6 tháng đầu năm

Đồ thị cổ phiếu BID cập nhật ngày 27/07/2017. Nguồn: AmiBroker

Kết luận nhanh – Nâng đánh giá từ Kém khả quan lên Nắm giữ. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 20.000đ, tương đương P/B dự phóng 2017 là 1,4 lần. Chúng tôi điều chỉnh nhẹ dự báo lợi nhuận cả năm của BID và hiện dự báo LNTT năm 2017 đạt 7.784 tỷ đồng (tăng trưởng 0,65%). Điều chỉnh tăng của chúng tôi dựa trên dự báo Ngân hàng sẽ tăng vốn thành công thông qua phát hành riêng lẻ trong 6 tháng cuối năm nay. Ngân hang sẽ đẩy mạnh dự phòng và chất lượng tài sản sẽ được cải thiện nhanh hơn cũng như hệ số CAR sẽ sớm được củng cố trong các năm tới. Trong khi đó KQKD 6 tháng nhìn chung sát dự báo. Các điểm nổi bật như sau:

• Cả cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng đều tăng khá gần 12% so với đầu năm.
• Tỷ lệ NIM được cải thiện, theo đó thu nhập lãi thuần tăng mạnh 37,30% so với cùng kỳ.
• Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi giảm 16,39% so với cùng kỳ do không còn đóng góp từ lợi nhuận bất thường từ thoái vốn và thu nhập từ góp vốn/mua cổ phần cũng bị giảm.
• Chi phí hoạt động tăng 20,40% so với cùng kỳ.
• Tuy nhiên, Ngân hàng triển khai lộ trình trích lập dự phòng quyết liệt hơn, vì vậy chi phí dự phòng tăng 38,11% so với cùng kỳ.
• Do đó, LNTT 6 tháng đầu năm đạt 3.708 tỷ đồng (tăng 11,44% so với cùng kỳ), hoàn thành 48,16% kế hoạch cả năm của Ngân hàng, là 7.700 tỷ đồng (giảm 0,45% so với năm 2016) và tương đương 48,61% dự báo ban đầu của Chúng tôi, là 7.629 tỷ đồng (giảm 1,37%).
• Chúng tôi điều chỉnh tăng 2% dự báo LNTT năm 2017 từ 7.629 tỷ đồng (giảm 1,37% so với năm 2016) lên 7.784 tỷ đồng (tăng trưởng 0,65%).
• Với dự báo mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (từ 12% lên 17% nhờ tín dụng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm) và cũng tăng dự báo chi phí dự phòng (từ 11.311 tỷ đồng lên 12.068 tỷ đồng).

Cho vay khách hàng tăng 11,56% so với đầu năm – Tổng cho vay khách hàng tăng 11,56% so với đầu năm đạt 807,37 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về phân loại cho vay khách hàng theo ngành ở thời điểm này, tuy vậy, chúng tôi giả định cho vay khách hàng cá nhân là động lực tăng trưởng chính tương tự như ở hầu hết các ngân hàng khác trong 6 tháng đầu năm.

Phân loại cho vay theo kỳ hạn:

• Nợ ngắn hạn tăng 14,25% so với đầu năm đạt 453,40 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,16% tổng dư nợ).
• Nợ trung và dài hạn tăng chậm hơn, là 8,30% so với cùng kỳ đạt 353,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 43,84% tổng dư nợ).

Phân loại cho vay theo loại tiền:

• Cho vay bằng VND tăng 9,98% so với cùng kỳ đạt 724,65 nghìn tỷ đồng (chiếm 89,75% tổng dư nợ).
• Cho vay bằng USD tăng mạnh 27,60% so với cùng kỳ đạt 82,71 nghìn tỷ đồng (chiếm 10,25% tổng dư nợ).

Tiền gửi của khách hàng tăng 11,78% so với đầu năm – đạt 811,51 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, phân loại tiền gửi theo kỳ hạn,

• Tiền gửi có kỳ hạn tăng 12,95% so với đầu năm đạt 673,35 nghìn tỷ đồng (chiếm 82,97% tổng tiền gửi của khách hàng)
• Tiền gửi không kỳ hạn tăng 6,40% so với đầu năm đạt 138 nghìn tỷ đồng (chiếm 17,03% tổng tiền gửi của khách hàng).

Phân loại theo loại tiền gửi:

• Tiền gửi bằng VND tăng 11,14% so với đầu năm.
• Tiền gửi bằng USD tăng 22,61% so với đầu năm.

Hệ số LDR thuần giữ nguyên tại 99,49% – Với thực tế cho vay/huy động bằng USD tăng gần như tương đương với cho vay/huy động bằng USD, hệ số LDR thuần cho mỗi loại tiền đều ở mức cao và nhìn chung không đổi. Hệ số LDR thuần đối với VND là 95,04% (là 96,04% vào cuối năm 2016). Trong khi đó hệ số LDR thuần tiền USD là 168,71% (năm 2016 là 162,11%).

Tỷ lệ NIM tăng 0,33% lên 2,85% – từ mức 2,51% trong 6 tháng đầu năm 2016 và cũng tăng nhẹ 0,06% từ 2,78% vào cuối năm 2016. Tỷ lệ NIM tăng chủ yếu nhờ:

• Lợi suất gộp cho vay khách hàng bình quân tăng khá (tăng 0,42% so với cùng kỳ lên 7,44%).
• Chi phí huy động khách hàng bình quân tăng ít hơn (tăng nhẹ 0,17% lên 4,65%).

BID đã hoán đổi hơn 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong những năm qua (tương đương 2,6% tổng dư nợ hiện tại) và điều này rõ ràng đã tác động lên tỷ lệ NIM trước đó. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm, theo sát diễn biến tăng nhẹ của lãi suất huy động trung và dài hạn. Một xu hướng khác cần lưu ý là do tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn ở hầu hết các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là khoảng 40% -45% (mức trần cho phép trong năm nay là 50% và 40% cho năm sau), hầu hết các ngân hàng, bao gồm cả BID phải tăng huy động tiền gửi trung và dài hạn và chuyển sang cho vay ngắn hạn nhiều hơn.

Tổng tài sản sinh lãi tăng 21,10% so với cùng kỳ đạt 1.046 nghìn tỷ đồng – và không có nhiều thay đổi trong cơ cấu tài sản sinh lãi. Cụ thể, 77% tài sản sinh lãi là cho vay khách hàng, 15,33% là doanh mục trái phiếu, và chỉ 7,5% là cho vay liên ngân hàng. Do đó, cùng với tỷ lệ NIM tăng 0,33%, chúng tôi thấy rằng,

Tổng thu nhập lãi thuần tăng trưởng tốt, tăng 37,30% so với cùng kỳ đạt 14.007 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng thu nhập ngoài lãi giảm 16,39% so với cùng kỳ là 2.787 tỷ đồng – lưu ý ở đây là trong 6 tháng đầu năm 2016, BID đã ghi nhận khoảng 800 tỷ đồng lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phần tại VID. Do đó, nếu không tính đến khoản lợi nhuận bất thường này, thu nhập ngoài lãi trong 6 tháng đầu năm nay thực tế đã tăng 10,19%. Cụ thể,

• Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 21,81% so với cùng kỳ đạt 1.410 tỷ đồng.
• Lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối tăng 47,72% so với cùng kỳ đạt 303 tỷ đồng.
• Lãi từ mua bán/đầu tư chứng khoán tăng 19,43% với cùng kỳ đạt 143,38 tỷ đồng.
• Thu nhập từ HĐ khác chủ yếu là từ thu hồi tài sản đảm bảo tăng 19%.
• Và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần bao gồm lợi nhuận bất thường giảm từ lãi 1.058 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái xuống lỗ 11,52 tỷ đồng.

Hầu hết các thu nhập được cải thiện nhưng tổng thu nhập hoạt động bị ảnh hưởng do thu nhập cổ tức từ công ty con giảm mạnh do (1) không còn khoản lãi từ thoái vốn VID và (2) lỗ khác từ thu nhập góp vốn mua cổ phần. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết trên BCTC nên chúng tôi không biết công ty con nào đã đóng góp vào khoản lỗ này.

Tổng chi phí hoạt động tăng 20,40% lên 6.879 tỷ đồng – chủ yếu do chi phí lương tăng (tăng 23,36% sov ới cùng kỳ lên 4.032 tỷ đồng). Trong khi đó tổng số nhân viên chỉ tăng 3,52% so với cùng kỳ lên 24.804 nhân viên. Theo đó, chi phí lương bình quân theo tháng của mỗi nhân viên tăng lên 27,04 triệu đồng; là mức rất cao so với các ngân hàng khác. Chi phí liên quan đến tài sản cũng tăng 19% so với cùng kỳ lên 1.253 tỷ đồng. Chi phí quản lý khác cũng tăng 8,8% so với cùng kỳ lên 1.263 tỷ đồng.

Ngân hàng sẽ tích cực hơn nhiều trong công tác trích lập dự phòng trong năm nay – theo đó tỷ lệ lợi nhuận trước trích lập dùng để trích lập dự phòng tăng (tăng lên 62,60% từ 57,46% trong 6 tháng đầu năm). Những điểm đáng chú ý gồm:

• Xóa 2.259 tỷ đồng nợ xấu (tăng 217,72% so với cùng kỳ) bằng quỹ dự phòng
• Hệ số LLR tăng lên 82,67% từ mức 69,75% tại thời điểm cuối năm 2016. Và đây là mức cao nhất của hệ số LLR trong 3 năm qua của BID.
• Chi phí dự phòng tăng 38,11% so với cùng kỳ lên 6.206 tỷ đồng.
• Trong khi đó tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,90% từ 1,99% tại thời điểm cuối năm 2016 (trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ phát sinh thêm 951 tỷ đồng nợ xấu).

Chi phí dự phòng tăng do Ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho các khoản cho vay khách hàng – chúng tôi ước tính chi phí dự phòng cho vay khách hàng tăng 57,46% so với cùng kỳ lên 4.911 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí dự phòng trích lập cho trái phiếu VAMC gần như giữ nguyên ở 1.295 tỷ đồng (giảm 0,52% so với cùng kỳ).

Chúng tôi ước tính BID vẫn còn 20.650 tỷ đồng trái phiếu VAMC và dự phòng lũy kế trích lập là 7.110 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng là khoảng 13.539 tỷ đồng, tương đương 1,67% dư nợ hiện tại của Ngân hàng, là mức thấp nêu so với bình quân của toàn bộ ngành ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2016 là 3,68%.

LNTT hợp nhất đạt 3.708 tỷ đồng (tăng 11,44% so với cùng kỳ).

Cho năm 2017, Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo LNTT thêm 2% từ 7.629 tỷ đồng (giảm 1,37%) lên 7.784 tỷ đồng (tăng trưởng 0,65%). Những điều chỉnh chủ chốt trong giải định của chúng tôi gồm: giả định cao hơn cho tăng trưởng tín dụng (tăng 12% lên 17% do tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh) và giả định cao hơn cho chi phí dự phòng (từ 11.311 tỷ đồng lên 12.068 tỷ đồng). Dự báo của chúng tôi dựa trên các giả định sau:

(1) Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo cho vay khách hàng từ tăng trưởng 12% lên 17% và đạt 846 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng dự báo huy động khách hàng từ tăng 18% lên 22% và đạt 885 nghìn tỷ đồng.
(2) Theo đó, hệ số LDR thuần được cải thiện nhẹ xuống mức 95,6%.
(3) Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM giữ nguyên ở 2,75% mặc dù tỷ lệ NIM trong 6 tháng đầu năm ở mức tốt do lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong nửa cuối năm sau khi NHNN giảm các lãi suất điều hành.
(4) Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo thu nhập lãi thuần từ 27.208 tỷ đồng (tăng trưởng 14,62%) lên 28.191 tỷ đồng (tăng trưởng 18,76%).
(5) Giữ nguyên giả định tổng thu nhập ngoài lãi giảm 8,72% còn 6.200 tỷ đồng do không còn khoản thu nhập không thường xuyên từ thoái vốn khỏi liên doanh VID Public.
(6) Giữ nguyên dự báo chi phí hoạt động dự báo tăng 7% lên 14.468 tỷ đồng.
(7) Điều chỉnh tăng dự báo chi phí dự phòng từ 11.311 tỷ đồng (tăng 21,98%) lên 12.068 tỷ đồng. Trong đó, 7.695 tỷ đồng là dự phòng chung và dự phòng cụ thể cho vay khách hàng (tăng 53,94%) và 4.265 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (tăng 4,03%).
(8) Dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,40% từ mức 1,96% vào cuối năm 2016.
(9) Chúng tôi giả định khả năng lớn nhất là BID sẽ tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho NĐT tài chính. Theo đó, chúng tôi giả định hệ số CAR là 9,59% vào cuối năm 2017.

Khả năng phát hành riêng lẻ 10-20% cổ phần trước cuối năm có vẻ đã tăng lên – Ngày càng nhiều NĐT trên thị trường kỳ vọng BID có thể phát hành riêng lẻ 10-20% cổ phần cho một ngân hàng nước ngoài trước cuối năm. Trên thực tế sau gần 3 năm tìm cách nâng vốn cấp 1, thì hiện có vẻ là thời điểm khá thích hợp. Hiện chúng tôi không hề coi nhẹ kỳ vọng trên đây của thị trường và thấy rằng:

• Tâm lý chung của NĐT đối với ngành ngân hàng đã được cải thiện trong năm nay trước triển vọng vấn đề nợ xấu sẽ được xử lý triệt để thông qua thị trường mua bán nợ thứ cấp từ năm sau.
• Có những cải cách về mặt pháp lý giúp thị trường mua bán nợ thứ cấp gần hơn với thực tiễn nhờ VAMC được trao thêm quyền hạn để có thể bán tài sản đảm bảo theo giá thị trường.
• Quy định mới cho phép BID không trả cổ tức tiền mặt nếu cần để giữ lại tiền và đẩy mạnh trích lập dự phòng.
• Các hãng đánh giá tín nhiệm đã nâng triển vọng cho ngành ngân hàng.
• Đã có dòng vốn đầu tư lớn của NĐTNN chảy vào ngành ngân hàng từ đầu năm với những tin đồn M&A xung quanh nhiều ngân hàng.
• Sự thay đổi trong ban lãnh đạo giúp thay đổi ưu tiên trong hoạt động của Ngân hàng, trong đó chú trọng cải thiện chất lượng tài sản.

Quan điểm đầu tư – Nâng đánh giá từ Kém khả quan lên Nắm giữ. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu BID là 20.000đ; tương đương P/B là 1,4 lần. Triển vọng tăng vốn cấp 1 trong năm nay là cao và hy vọng chất lượng tài sản được cải thiện trong tương lai nhờ Ngân hàng tích cực hơn trong công tác trích lập dự phòng. Theo đó Ngân hàng sẽ cải thiện dần các hệ số an toàn tài chính. Chúng tôi cũng giả định Ngân hàng sẽ không phải trả cổ tức tiền mặt từ năm sau nhờ quy định mới. Khả năng tăng vốn cấp 1 ngay trong nửa cuối năm nay sẽ tạo điều kiện để quy mô tài sản của BID tăng thêm. Trong khi đó việc được phép giữ lại lợi nhuận mà không chi trả cổ tức tiền mặt giúp Ngân hàng có thể tích cực hơn trong trích lập dự phòng. BID vẫn phải xử lý một số khoản nợ xấu từ trước để lại, chủ yếu liên quan đến nhiều dự án của DNNN. Và do ban lãnh đạo chú trọng xử lý nợ xấu nên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ khiêm tốn. Và trong tương lai BID sẽ cần tiếp tục tăng vốn để chuẩn bị áp dụng Basel 2. Do vậy chúng tôi cho rằng cổ phiếu BID vẫn còn rủi ro pha loãng.

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý