DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu ANV – Định giá hợp lý cổ phiếu là 28.200 đồng/cp

Lượt xem: 1,674 - Ngày:

BÀI TOÁN TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TRONG TƯƠNG LAI

Chúng tôi tiến hành định giá lần đầu cổ phiếu ANV – CTCP Nam Việt niêm yết trên sàn HSX. Bằng cách sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh P/E, chúng tôi xác định giá mục tiêu cổ phiếu ANV là 28.200 đồng/cp, cao hơn 9% so với mức giá hiện tại.

Đồ thị cổ phiếu ANV phiên giao dịch ngày 08/11/2019. Nguồn: AmiBroker.

Chúng tôi cho rằng, tình hình hoạt động kinh doanh của ANV được cải thiện tích cực kể từ năm 2018 cùng các cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp và mảng cá tra giai đoạn tới phần lớn đã phản ánh vào đợt tăng giá cổ phiếu ANV trong thời gian vừa qua. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu ANV cho mục tiêu trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời ở mức giá 28.200 đồng (tương ứng mức sinh lời 9% so với mức giá đóng cửa ngày 06/11/2019 là 25.800 đồng/cp). Khuyến nghị này được đưa ra dựa trên các luận điểm chính như sau:

ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ

  • Khả năng tự chủ 100% cá tra nguyên liệu đầu vào là động lực chính giúp ANV kiểm soát tốt biên lợi nhuận gộp. Giai đoạn 2015-2018, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường có xu hướng tăng, tuy nhiên nhờ khả năng có thể cung cấp toàn bộ lượng cá tra thương phẩm thông qua hoạt động nuôi trồng để phục vụ sản xuất, đã giúp ANV hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 15% lên mức 21%, cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với trung bình các doanh nghiệp trong mảng.
  • Xuất khẩu sang thị trường châu Âu kỳ vọng được hưởng lợi nhờ ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của ANV (năm 2018), sẽ được hưởng lợi khi thuế suất xuất khẩu của các mặt hàng cá tra phi-lê giảm về 0% từ mức 5,5%-9% theo lộ trình sau 3 năm hiệp định có hiệu lực (dự kiến năm 2020). Đây là điều kiện thuận lợi để ANV gia tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
  • Dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú dự kiến hoàn thành trong năm 2020 được kỳ vọng giúp ANV phát huy lợi thế về quy mô, tiết kiệm chi phí. Dự án nuôi trồng cá tra giống (150 ha) và cá tra nguyên liệu (450 ha) trên diện tích tập trung, dự kiến với công suất tối đa sẽ cung cấp khoảng 360 triệu con giống và 200.000 tấn cá tra thương phẩm mỗi năm, gấp khoảng 2 lần so với sản lượng tối đa cung ứng hiện tại. Chúng tôi đánh giá dự án này sẽ là đòn bẩy giúp ANV khép kín hoàn toàn chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy lợi nhuận trong tương lai.

RỦI RO ĐẦU TƯ

  • Hoạt động nuôi trồng cá tra phụ thuộc lớn vào diễn biến thời tiết, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường: hiện nay với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, dịch bệnh diễn biến khó lường và tình trạng môi trường suy thoái,… làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả nuôi trồng và chất lượng cá tra thương phẩm.
  • Rủi ro rào cản kỹ thuật và thương mại tại các thị trường xuất khẩu: ngoài các quy định ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, một số thị trường còn áp đặt hàng rào thương mại nhằm bảo hộ hoạt động sản xuất trong nước. Điển hình là tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá (CBPG) kể từ năm 2003 cho đến nay. Hiện tại, theo kết quả của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), ANV đang chịu mức thuế bằng với mức thuế suất áp dụng cho toàn quốc là 2,39 USD/kg khi xuất khẩu cá tra vào thị trường này.
  • Rủi ro lãi suất: thời điểm cuối quý III/2019, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của ANV là 1.427 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng tài sản, tăng 13% so với cuối năm 2018. Chúng tôi dự phóng nợ vay của ANV có khả năng tiếp tục tăng trong bối cảnh công ty đang cần nguồn tài trợ cho dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú (vốn đầu tư công ty dự kiến là 4.000 tỷ đồng), do vậy, diễn biến của lãi suất sẽ phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ANV.

CÁC YẾU TỐ CẦN THEO DÕI

  • Tình hình triển khai và hiệu quả của Dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú: với quy mô vùng nuôi lớn, công suất dự kiến lên đến 200.000 tấn cá tra/năm, gấp hơn 3 lần so với sản lượng xuất khẩu của ANV giai đoạn 2014-2018 trung bình chỉ khoảng 60.000 tấn/năm. Nguồn cung tăng mạnh, trong khi tình hình tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn định, do đó diễn biến nhu cầu tại các thị trường là yếu tố quan trọng cần theo dõi để đánh giá hiệu quả của dự án nuôi trồng cá tra Bình Phú.
  • Kết quả kinh doanh phụ thuộc lớn vào đối tác chiến lược tại thị trường Trung Quốc: giá trị xuất khẩu cá tra của ANV sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh sau khi hợp tác với đối tác Shanghai Fenglei International Trading từ giữa năm 2018. Tính đến thời điểm 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu từ thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu của ANV. Tuy nhiên, việc hợp tác độc quyền với một đối tác duy nhất tại thị trường chính khiến kết quả hoạt động xuất khẩu của ANV phụ thuộc lớn vào tình hình thương mại giữa ANV và đối tác này.

Nguồn: FPTS

 

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý