Sự kiện: Công bố KQKD Q3/2021
ACV công bố KQKD Q3/2021 kém với doanh thu thuần giảm 77% so với cùng kỳ xuống 371 tỷ đồng do tổng số lượng hành khách giảm 96,7% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận giảm do ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa khiến hiệu suất hoạt động giảm và trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn của các hãng hàng không.
Đồ thị cổ phiếu ACV phiên giao dịch ngày 05/11/2021. Nguồn: AmiBroker
Theo đó, lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm 2021 chỉ là 299 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ) và doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ xuống 3.798 tỷ đồng, đạt lần lượt 31,1% và 68,8% dự báo cả năm 2021 của chúng tôi.
Chuyến bay nội địa ngừng hoạt động tác động mạnh tới doanh thu
Trong Q3/2021, ACV chỉ tiếp nhận 377.170 lượt hành khách nội địa (giảm 97,4% so với cùng kỳ) và 99.233 lượt khách quốc tế (giảm 6,4% so với cùng kỳ). Các biện pháp phong tỏa trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2021 đã ảnh hưởng tới số lượng hành khách nội địa của ACV trong khi các chuyến bay quốc tế về cơ bản vẫn ngừng hoạt động kể từ tháng 3/2020.
Vào cuối tháng 8/2021, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng bán vé nội địa. Theo đó, số lượng hành khách trong tháng 9/2021 giảm xuống chỉ còn 19.243 hành khách so với 3,5 triệu hành khách trong tháng 9/2020.
Để hỗ trợ các hãng hàng không và các đối tác của hãng từ tháng 4 đến hết năm 2021, ACV đã giảm 50% tất cả phí dịch vụ dành cho các hãng hàng không. Cùng với sự sụt giảm về số lượng hành khách, doanh thu Q3/2021 (bao gồm cả doanh thu cất cánh và hạ cánh) giảm mạnh 77% so với cùng kỳ xuống 371 tỷ đồng.
Bảng 1: KQKD Q3/2021 và 9T/2021, ACV
Theo đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của ACV là 354 tỷ đồng (giảm 75% so với cùng kỳ) trong khi doanh thu từ tài sản khu bay giảm 90% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 16 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, ACV đã phục vụ tổng cộng 26,6 triệu lượt khách (giảm 44% so với cùng kỳ), bao gồm 26,2 triệu lượt khách trong nước (giảm 35,1% so với cùng kỳ) và 337.683 lượt khách quốc tế (giảm 95,2% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2021 là 3.798 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ).
Tỷ suất lợi nhuận suy yếu do số lượng hành khách sụt giảm
ACV lỗ gộp 1.004 tỷ đồng, theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp là -271% so với lợi nhuận gộp nhỏ là 41 tỷ đồng trong Q3/2020.
Số lượng hành khách giảm khiến hiệu suất hoạt động của các nhà ga rất thấp trong giai đoạn phong tỏa, trong khi đó, chi phí cố định không thay đổi.
Chi phí bán hàng & quản lý tăng lên 314 tỷ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ) do trích lập dự phòng 133 tỷ đồng cho các khoản phải thu quá hạn từ các hãng hàng không. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 84,8% trong Q3/2021 từ 14,8% trong Q3/2020.
Mặt khác, lãi thuần từ HĐ tài chính tăng 51% so với cùng kỳ lên 440 tỷ đồng do không còn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong Q3/2021, so với khoản lỗ 255 tỷ đồng trong Q3/2020.
Trong Q3/2021, Cổ phiếu ACV lỗ trước thuế và lỗ thuần lần lượt 883 tỷ đồng và 767 tỷ đồng (thuộc về cổ đông) so với lãi trước thuế và lãi thuần lần lượt 156 tỷ đồng và 141 tỷ đồng trong Q3/2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, LNTT và lợi nhuận thuần (thuộc về cổ đông) lần lượt là 611 tỷ đồng (giảm 63,5% so với cùng kỳ) và 299 tỷ đồng (giảm 78,1% so với cùng kỳ).
Q4/2021 và xa hơn – kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ
Mặc dù lợi nhuận thuần thấp hơn dự báo của chúng tôi trong Q3/2021, chúng tôi tin rằng việc các chuyến bay nội địa được nối lại vào giữa tháng 10/2021, cùng với sự chào đón các du khách quốc tế tới một số điểm đến nhất định tại Việt Nam từ giữa tháng 11/2021 sẽ thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của ACV tăng mạnh.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2021, ACV đã hạch toán chi phí tiền lương thưởng cho nhân viên theo kế hoạch ban đầu vào đầu năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng KQKD của ACV sẽ thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021, theo đó, các khoản lương thưởng (dựa trên KQKD) sẽ được điều chỉnh giảm trong Q4/2021. Do đó, chúng tôi cho rằng chi phí nhân công năm 2021 sẽ thấp hơn dự báo và hỗ trợ thêm cho đà phục hồi của lợi nhuận trong Q4/2021.
Khởi công xây dựng dự án Nhà ga T3 tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vào tháng 12/2021
Theo Bộ Giao thông Vận tải, ACV đã hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án Nhà ga T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án sẽ được phê duyệt vào đầu tháng 11/2021. Sau khi được phê duyệt, dự án cảng T3 sẽ khởi công xây dựng vào tháng 12/2021.
- Chi phí đầu tư cơ bản dự kiến là 10.990 tỷ đồng và sẽ sử dụng nguồn vốn nội bộ mà không có sự hỗ trợ của Chính phủ.
- Thời gian xây dựng dự kiến là 37 tháng kể từ ngày khởi công.
- Công suất sẽ được nâng lên để phục vụ 20 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Chúng tôi kỳ vọng Nhà ga T3 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2024. Sau khi hoàn thành, tổng công suất của cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ đạt 50 triệu hành khách mỗi năm.
HSC duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng, giá mục tiêu và dự báo
HSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 lần lượt là 5.517 tỷ đồng (giảm 29%) và 963 tỷ đồng (giảm 41,6%). ACV đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 120 lần và 39 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Tăng tỷ trọng với giá mục tiêu là 90.600đ (tiềm năng tăng giá 5%).
Bảng 2: Doanh thu bán hàng, ACV
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.