Tại mức giá đóng cửa 27.600 đồng/cổ phiếu hôm nay, ACB đang được giao dịch ở mức PB khoảng 1,8 lần, không rẻ so với các ngân hàng đang niêm yết khác. Kết quả kinh doanh khả quan, cộng với các tin đồn về khả năng thoái vốn của cổ đông lớn, Standard Charter, đã khiến giá cổ phiếu ACB tăng mạnh trong các phiên vừa qua
Đồ thị cổ phiếu ACB cập nhật ngày 25/08/2017. Nguồn: AmiBroker
Qua trao đổi với đại diện ACB trong buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích do ACB tổ chức hôm nay, chúng tôi nhận thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng đang trên đà tăng trưởng thuận lợi.
Hoàn nhập dự phòng từ Vinalines giúp lợi nhuận 6T2017 tăng trưởng mạnh. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng khả quan, với thu nhập ròng từ lãi tăng trưởng 19% YoY và hoạt động dịch vụ tăng 28% YoY. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết ACB ghi nhận khoảng 340 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cho khoản nợ của Vinalines. Do vậy, thu nhập khác ròng tăng trưởng hơn 3 lần so với cùng kỳ và là một trong những động lực giúp thu nhập hoạt động tăng trưởng 58% YoY, tương ứng 5.451 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng mạnh, 43% YoY, chủ yếu do chi phí dự phòng các khoản phải thu hơn 653 tỷ đồng (6T2016: hoàn nhập hơn 11 tỷ đồng). Nếu loại trừ khoản chi phí này, chi phí hoạt động chỉ tăng 14% YoY và tỷ lệ CIR ở mức 47%. Ngoài ra, trong 6T2017, ACB tiếp tục tăng cường trích lập DPRR nợ của nhóm 6 Công ty, khoảng 600 tỷ đồng, khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh (160% YoY). LNTT 6T2017 theo đó đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 52% YoY và hoàn thành 57% kế hoạch cả năm.
Không chỉ lợi nhuận tăng trưởng tích cực, chất lượng tài sản cũng như các chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản của ACB cũng có sự cải thiện đáng kể. Trái với xu hướng tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn so với tăng trưởng huy động khách hàng ở các năm trước, tốc độ tăng trưởng của hai khoản mục này duy trì tương đương trong nửa đầu năm 2017. Nhờ vậy, chỉ tiêu về an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được duy trì ở mức khá tốt so với quy định của Thông tư 36, với CAR hợp nhất đạt 12% và LDR đạt 75%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, khoảng 1,1% vào cuối quý 2/2017 trong khi Ngân hàng nỗ lực trích lập dự phòng trong nửa đầu năm. Nhờ vậy, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng mạnh lên xấp xỉ 131%, chỉ thấp hơn so với tỷ lệ của VCB.
Dự kiến hoàn thành trích lập DPRR nợ nhóm 6 Công ty và trái phiếu đặc biệt trong năm 2017. Đến cuối quý 2/2017, dư nợ nhóm 6 Công ty (G6) còn khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã trích lập 3.000 tỷ đồng. Đối với trái phiếu đặc biệt, số dư ròng (sau trích lập dự phòng) còn xấp xỉ 883 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ACB tại buổi tiếp xúc, chúng tôi được biết ACB sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho hai khoản trên so với quy định, và có thể sẽ hoàn tất trong năm 2017.
Về hoạt động kinh doanh chính, tăng trưởng tín dụng năm 2017 của ACB đã được cho phép tăng lên mức 20%. Để duy trì các chỉ tiêu về an toàn vốn và thanh khoản như hiện tại, tốc độ tăng trưởng huy động của ACB có thể tương đương tăng trưởng về cho vay trong năm 2017. Mặc dù vậy, chi phí hoạt động và chi phí DPRR dự kiến vẫn ở mức cao trong nửa cuối năm nên ước tính LNTT cả năm 2017 của ACB đạt 2.458 tỷ đồng, tăng 47% YoY và cao hơn kế hoạch cả năm khoảng 11%. LNST năm 2017 theo đó đạt 1.966 tỷ đồng và EPS tương ứng là 1.813 đồng.
Tại mức giá đóng cửa 27.600 đồng/cổ phiếu hôm nay, ACB đang được giao dịch ở mức PB khoảng 1,8 lần, không rẻ so với các ngân hàng đang niêm yết khác. Kết quả kinh doanh khả quan, cộng với các tin đồn về khả năng thoái vốn của cổ đông lớn, Standard Charter, đã khiến giá cổ phiếu ACB tăng mạnh trong các phiên vừa qua. Tuy nhiên, trong khi thông tin thoái vốn chưa rõ ràng, thì chúng tôi cho rằng sự tăng giá của ACB trong các phiên vừa qua đã phản ánh những chuyển biến về KQKD năm 2017 của ngân hàng. Do đó, chúng tôi cho rằng NĐT không cần thiết mua đuổi cổ phiếu ACB trong ngắn hạn. Việc tích lũy cổ phiếu cho mục đích đầu tư dài hạn cần tránh những phiên biến động mạnh như trên.
Nguồn: Rongviet Research