DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật cổ phiếu ACB – Khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 42.000đ

Lượt xem: 2,058 - Ngày:

Nhận định KQKD – Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Cổ phiếu ACB) đã công bố kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm tích cực, LNTT đạt 4.776 tỷ đồng (tăng 138,34% so với cùng kỳ). Theo đó ACB đã dễ dàng hoàn thành 84% kế hoạch LNTT cả năm mà Ngân hàng đã được ĐHCĐTN thông qua là 5.700 tỷ đồng (tăng trưởng 114,6%) và bằng 75% dự báo trước đây của HSC cho cả năm là 6.333 tỷ đồng (tăng trưởng 138,45%). Mặc dù cả cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng đều tăng chậm lại trong Q3, ACB vẫn đạt lợi nhuận tốt nhờ tỷ lệ NIM được cải thiện, các dòng thu nhập ngoài lãi tiếp tục cho đóng góp tốt đồng thời chi phí hoạt động và dự phòng được quản trị chặt chẽ.

Đồ thị cổ phiếu ACB phiên giao dịch ngày 06/11/2018. Nguồn: AmiBrokerĐồ thị cổ phiếu ACB phiên giao dịch ngày 06/11/2018. Nguồn: AmiBroker

Kết luận nhanh – Tiếp tục đánh giá MUA VÀO với giá trị hợp lý của cổ phiếu ACB là 42.000đ, tương đương P/B dự phóng năm 2018 là 2,5 lần. Cho năm 2018, HSC giữ nguyên dự báo LNTT đạt 6.333 tỷ đồng mặc dù điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng từ tăng trưởng 18% xuống 14% do định hướng mới về tín dụng từ NHNN. Cho năm 2019, chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo LNTT sẽ tăng trưởng 23,8% và đạt 7.842 tỷ đồng. Sau 5 năm nỗ lực xử lý nợ xấu, ACB hiện đã đáp ứng tất cả các chỉ số an toàn và có chất lượng tài sản rất tốt. Điều này đảo bảo tiềm năng tăng trưởng lớn cho Ngân hàng. ACB vẫn là một trong những ngân hàng bán lẻ tốt nhất với hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng bền vững, khẩu vị rủi ro thấp, hệ số an toàn tài chính tốt và hoạt động quản trị doanh nghiệp chuẩn mực.

Cho vay khách hàng tăng 11,8% so với đầu năm đạt 220,93 nghìn tỷ đồng, mặc dù giảm nhẹ 0,42% so với quý liền trước trong Q3. Cho vay khách hàng trong Q3 giảm do NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với toàn ngành ngân hàng nói chung và đối với ACB nói riêng, và hạn mức tăng trưởng cho Ngân hàng trong năm nay là 14%.

Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn –

–     Cho vay ngắn hạn tăng 15,5% so với đầu năm đạt 114,29 nghìn tỷ đồng, đóng góp 51,7% vào tổng dư nợ (cuối năm 2017 là 50,2%).

–     Cho vay trung dài hạn tăng 7,2% so với đầu năm đạt 106,62 nghìn tỷ đồng, đóng góp 48,3% vào tổng dư nợ.

Cơ cấu cho vay theo kỳ hạn của ACB duy trì ổn định trong vài năm qua với tỷ lệ cho vay kỳ hạn ngắn và trung dài hạn khá cân bằng.

Cơ cấu cho vay theo tiền tệ –

–     Cho vay bằng tiền đồng tăng 12,2% so với đầu năm đạt 212,65 nghìn tỷ đồng, đóng góp 96,3% vào tổng dư nợ (năm 2017 là 95,5%).

–     Cho vay bằng đồng USD giảm 6,4% so với đầu năm đạt 8,28 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,8% vào tổng dư nợ.

Hiện trên BCTC 9 tháng đầu năm chưa có cơ cấu cho vay theo đối tượng khách hàng và ngành nghề. Tuy nhiên, danh mục cho vay của ACB khá ổn định, với mảng cho vay chủ chốt là cho vay khách hàng cá nhân và DNVVN, và tỷ trọng cho vay thấp đối với ngành BĐS, thậm chí là cũng hạn chế cho vay người mua nhà ở các dự án BĐS.

Tiền gửi khách hàng được kiểm soát theo cùng đà tăng trưởng của cho vay khách hàng, cụ thể tăng 10,9% so với đầu năm đạt 267,97 nghìn tỷ đồng – Như vậy tăng trưởng tiền gửi khách hàng của ACB cũng giảm tốc trong Q3/2018.

Cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn:

–     Tiền gửi có kỳ hạn tăng 11,99% so với đầu năm đạt 225,18 nghìn tỷ đồng, đóng góp 84% vào tổng vốn huy động

–     Tiền gửi không kỳ hạn tăng 6,15% so với đầu năm đạt 42,79 nghìn tỷ đồng, đóng góp 16% vào tổng vốn huy động

Cơ cấu tiền gửi theo loại tiền với phần lớn tăng trưởng là từ tiền gửi tiền đồng –

–     Tiền gửi tiền đồng tăng 11,83% so với đầu năm đạt 258,37 nghìn tỷ đồng, đóng góp 96,4% vào tổng vốn huy động (năm 2017 là 95,7%).

–     Tiền gửi bằng USD giảm 7,32% so với đầu năm đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, đóng góp 3,58% vào tổng vốn huy động

Theo đó, tỷ lệ LDR thuần hợp nhất nhìn chung không đổi, là 82,4% so với mức 82,1% vào cuối năm ngoái – ACB duy trì kiểm soát rất nghiêm ngặt hệ số LDR vào khoảng 80% để tránh rủi ro thanh khoản tiềm tàng.

Thu nhập lãi thuần tăng 22,2% so với cùng kỳ đạt 7.424 tỷ đồng – nhờ tổng tài sản sinh lãi tăng 15,5% so với cùng kỳ đạt 291,37 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ NIM tăng 0,15% lên 3,54%.

Về tài sản sinh lãi, lợi suất gộp không đổi so với cùng kỳ là 8,30% – tuy nhiên, lợi suất gộp cho vay khách hàng thực tế tăng 0,15% lên 9,20%; trong khi đó cả lợi suất cho vay liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu đều giảm, cụ thể lợi suất cho vay liên ngân hàng giảm 1,60% xuống còn 2,75% và lợi suất trái phiếu giảm 0,61% xuống còn 5,47%. Tỷ trọng trái phiếu trong tổng tài sản sinh lãi giảm từ 22,6% xuống 18,8%, trong khi đó tỷ trọng cho vay liên ngân hàng tăng nhẹ từ 4,26% lên 5,36%.

Về nguồn huy động, chi phí huy động bình quân giảm 0,17% so với cùng kỳ xuống còn 4,78% – do chi phí huy động từ tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,05% xuống còn 4,75%. Chi phí vay liên ngân hàng cũng giảm 0,74% xuống còn 3,06%. Chi phí huy động từ giấy tờ có giá giảm mạnh 3,11% xuống còn 7,56%. Như đã đề cập trong báo cáo trước đó, trong Q1/2018, ACB đã mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu là vốn cấp 2, từ đó giúp giảm chi phí huy động.

Cơ cấu nguồn vốn chịu lãi của ACB cũng ổn định – với khoảng 93% là từ tiền gửi khách hàng và 7% còn lại là huy động liên ngân hàng và giấy tờ có giá.

Thu nhập ngoài lãi tăng 27,9% so với cùng kỳ đạt 2.444 tỷ đồng – với hầu hết các dòng thu nhập ngoài lãi đều tăng tốt, ngoại trừ lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh.

–     Lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 26,5% so với cùng kỳ đạt 1.075 tỷ đồng;

–     Lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 71,5% so với cùng kỳ lên 410 tỷ đồng;

–     Lãi thuần mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư giảm 65,4% so với cùng kỳ xuống 138,76 tỷ đồng, do lãi thuần kinh doanh trái phiếu giảm và không có khoản hoàn nhận từ dự phòng trái phiếu quá hạn như trước đó.

–     Lợi nhuận khác tăng gần gấp đôi đạt 898,05 nghìn tỷ đồng (tăng 99,7% so với cùng kỳ), chủ yếu là thu nhập từ thu hồi nợ xấu (855 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm ngoái).

–     Thu nhập hoạt động góp vốn, đầu tư dài hạn giảm 20,2% so với cùng kỳ xuống còn 24 tỷ đồng, mặc dù dòng thu nhập này đáng góp không đáng kể vào tổng thu nhập ngoài lãi chung.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ACB 9 tháng đầu năm đạt 9.868 tỷ đồng (tăng 23,6% so với cùng kỳ).

Chi phí hoạt động gần như giữ nguyên so với cùng kỳ là 4.432 tỷ đồng (giảm 1,3% so với cùng kỳ) nhưng tăng 20,6% so với cùng kỳ nếu không tính ảnh hưởng từ chi phí trích lập nợ xấu – Chi phí hoạt động của ACB không được phản ánh chính xác thực tế trong những năm trước do bao gồm đáng kể chi phí dự phòng nợ xấu. Từ đó làm sai lệnh hệ số CIR. Tuy nhiên từ năm 2018, ảnh hưởng từ chi phí trích lập dự phòng nợ xấu đã giảm xuống nhờ ACB hầu như đã xử lý xong các khoản nợ xấu từ trước để lại.

–     Trong năm 2017, ACB hạch toán 948 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng nợ xấu vào chi phí hoạt động (bằng 15,3% tổng chi phí hoạt động)

–     Trong 9 tháng đầu năm 2018, ACB hoàn nhập 176 tỷ đồng dự phòng nợ xấu trích lập từ các năm trước trong chi phí hoạt động (bằng 4% tổng chi phí hoạt động)

–     Theo đó nếu không tính tác động từ chi phí dự phòng nợ xấu, thì chi phí hoạt động từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trên thực tế tăng mạnh 20,6% so với cùng kỳ từ 3.822 tỷ đồng lên 4.608 tỷ đồng.

Cơ cấu chi phí hoạt động cụ thể như sau –

–     Chi phí liên quan đến nhân viên tăng 22,7% so với cùng kỳ lên 2.393 tỷ đồng do số lượng nhân viên tăng 8,3% so với cùng kỳ lên 10.951 người. Do đó, mức lương bình quân tháng/nhân viên tăng 15,5% so với cùng kỳ từ 22 triệu đồng lên 25 triệu đồng.

–     Chi phí liên quan đến tài sản tăng mạnh 27,5% so với cùng kỳ lên 937 tỷ đồng. ACB sẽ đầu tư thêm vào trang trí lại các chi nhánh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngân hàng số.

–     Chi phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng tăng 16 % so với cùng kỳ lên 223 tỷ đồng với tiền gửi khách hàng tăng 14,5% so với cùng kỳ.

–     Chi phí khác (ngoại trừ dự phòng nợ xấu) tăng 11,7% so với cùng kỳ lên 1.045 tỷ đồng.

Theo đó, hệ số CIR là 45% (năm ngoái là 56%). Hệ số CIR của hoạt động kinh doanh cốt lõi là 46,7% (năm ngoái là 47,9%).

Chi phí dự phòng giảm mạnh 55,7% so với cùng kỳ xuống còn 660 tỷ đồng – chủ yếu nhờ chất lượng tài sản tốt sau 5 năm xử lý nợ xấu. Toàn bộ chi phí dự phòng được trích lập cho các khoản nợ xấu thông thường do ACB đã trích lập xong toàn bộ trái phiếu VAMC kể từ năm 2017. Hệ số LLR là 128% (tại thời điểm cuối năm 2017 là 131%).

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 0,85% (cuối năm 2017 là 0,71%) – Nợ xấu hình thành mới trong 9 tháng đầu năm là 460 tỷ đồng. Trong đó,

–     Nợ nhóm 3 chiếm 0,16% tổng dư nợ (tăng 10,5% so với đầu năm lên 360 tỷ đồng);

–     Nợ nhóm 4 chiếm 0,1% tổng dư nợ (giảm 18,3% so với đầu năm còn 224 tỷ đồng);

–     Nợ nhóm 5 chiếm 0,58% tổng dư nợ (tăng 60,4% so với đầu năm lên 1.264 tỷ đồng).

ACB cũng đã xóa 115 tỷ đồng nợ xấu (giảm 34,7% so với cùng kỳ) – tương đương 0,05% tổng dư nợ tại thời điểm cuối Q3.

Theo đó LNTT đạt 4.776 tỷ đồng (tăng 138,3% so với cùng kỳ).

Cho năm 2018, HSC duy trì dự báo LNTT đạt 6.333 tỷ đồng (tăng trưởng 138,5%). Tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng cho vay và huy động khách hàng từ 18% xuống 14%. Các giả định chính của chúng tôi gồm:

  1. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo cho vay khách hàng từ tăng trưởng 18% xuống còn 14% và đạt 226,24 nghìn tỷ đồng.
  2. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo huy động khách hàng từ tăng trưởng 18% xuống còn 14% và đạt 275,18 nghìn tỷ đồng.
  3. Theo đó hệ số LDR thuần giữ nguyên ở mức 82% của năm 2017.
  4. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tỷ lệ NIM ở mức 3,56% (trong năm 2017 là 3,53%).
  5. Theo đó dự báo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16,7% đạt 9.866 tỷ đồng.
  6. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo dự báo ban đầu đối với tổng thu nhập ngoài lãi từ 3.163 tỷ đồng (tăng trưởng 6,1%) lên 3.323 tỷ đồng nhờ dự báo cao hơn đối với thu nhập từ thu hồi nợ ngoại bảng cũng như đối với lãi thuần HĐ kinh doanh ngoại hối sau xu hướng thu nhập ngoại hối rất tốt trong Q3/2018.
  7. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo ban đầu đối với chi phí hoạt động từ 6.149 tỷ đồng (giảm 1,09%) xuống 6.049 tỷ đồng (giảm 2,7%) nhờ Ngân hàng hoàn nhập 342 tỷ đồng dự phòng trong Q2/2018.
  8. Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo chi phí dự phòng từ 717 tỷ đồng lên 806 tỷ đồng do nợ xấu tăng nhẹ.
  9. Chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 0,9% (năm 2017 là 0,7%).
  10. Hệ số CAR dự báo là 10,9% vào cuối năm 2018 so với dự báo trước đó là 9,7%. Do Ngân hàng đã mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu cấp 2 trong Q1 nhưng hệ số CAR vẫn sẽ tăng nhẹ so với dự báo trước đó vì tăng trưởng cho vay khách hàng thấp hơn.

Từ những giả đinh trên, chúng tôi dự báo EPS (cơ bản) dự phóng 2018 là 4.659đ. BVPS là 16.916đ. ROAA là 1,67% và ROAE là 27,3%. Ở thị giá hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch với P/B dự phóng là 1,77 lần và P/E là 7,4 lần.

Cho năm 2019, HSC dự  báo LNTT tăng trưởng 23,8% đạt 7.841 tỷ đồng – với các giả định sau;

  1. Chúng tôi dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 14% đạt 257,92 nghìn tỷ đồng.
  2. Chúng tôi dự báo huy động khách hàng tăng trưởng 14% đạt 333 nghìn tỷ đồng.
  3. Theo đó hệ số LDR thuần sẽ giữ nguyên ở 82%.
  4. Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng nhẹ lên 3,59% từ 3,56% trong năm 2018.
  5. Theo đó dự báo thu nhập lãi thuần tăng trưởng 15,3% đạt 11.378 tỷ đồng.
  6. Chúng tôi dự báo tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 18,8% đạt 3.946 tỷ đồng với dự báo lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh 34,6% và thu nhập từ thu hồi nợ xấu vẫn ở mức cao (tăng 16%).
  7. Chúng tôi giữ nguyên dự báo chi phí hoạt động là 6.862 tỷ đồng (tăng 13,5%).
  8. Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng giảm 23,1% so với năm 2018 xuống còn 620 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 0,9%.
  9. Theo đó LNTT dự báo đạt 7.841 tỷ đồng (tăng trưởng 23,8%).
  10. Chúng tôi cũng dự báo ACB có thể bán ra 41,42 triệu cổ phiếu quỹ để cải thiện hệ số CAR thấp trong năm 2018.

Với những giả đinh trên, chúng tôi dự báo EPS dự phóng 2018 là 4.947đ. Và BVPS là 22.529đ. ROAA là 1,81% và ROAE là 25%.

Quan điểm đầu tư – Giữ nguyên đánh giá Mua vào. Chúng tôi quyết định duy trì đánh giá đối với Cổ phiếu ACB là Mua vào với giá trị hợp lý ước tính là 42.000đ (tương đương P/B là 2,5 lần); cao hơn 40% so với thị giá cổ phiếu hiện tại. P/B bình quân ngành ngân hàng hiện là 2,0 lần và chúng tôi tin rằng ACB xứng đáng có mức định giá cao hơn nhờ chất lượng tài sản rất tốt, mảng kinh doanh chủ chốt là cho vay các DNNVV và khách hàng cá nhân tăng trưởng tốt và ổn định. Bên cạnh đó  là tiềm năng lợi nhuận không thường xuyên trong vài năm tới từ số lượng lớn các tài sản đảm bảo ngoại bảng.

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý