DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0989 490 980
Vay Margin tại HSC tỉ lệ 1:4

Cập nhật BID

Lượt xem: 13,498 - Ngày:

Cập nhật Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BID – Sàn HOSE

Đồ thị BID giữa phiên giao dịch ngày 18/02/2016

Đồ thị BID giữa phiên giao dịch ngày 18/02/2016. Nguồn: Amibroker

BID (HOSE – Kém khả quan) thông báo kết quả kinh doanh trước kiểm toán cho năm 2015 tương đối tích cực. Tuy nhiên, triển vọng của năm 2016 không mấy khả quan.

GHI NHẬN CHÍNH – Lợi nhuận trước thuế tăng 26,16% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng mạnh mặc dù tỷ lệ NIM sụt giảm đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận. Thu nhập lãi thuần tăng 15% so với năm trước trong khi tổng các nguồn thu ngoài lãi lại giảm. Tổng thu nhập hoạt động thuần tăng trong khi chi phí dự phòng giảm 16,93% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế và sau lợi ích của cổ đông thiểu số chỉ đạt 5.841 tỷ đồng (tăng 18,07% so với năm trước) sau khi khấu trừ 552,59 tỷ đồng lỗ lũy kế từ ngân hàng MHB sau khi sáp nhập. Tỷ lệ CAR vẫn duy trì ở mức trên 9% và tỷ LDR thuần vẫn rất cao ở mức 106%. HSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2016 sẽ giảm 4,76% so với năm 2015 do tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và chi phí dự phòng tăng vọt.

HÀNH ĐỘNG – Lặp lại đánh giá Kém Khả Quan. BID sẽ cần tăng Vốn cấp 1 sớm nếu Ngân hàng muốn tiếp tục gia tăng tín dụng. Trong khi tỷ lệ LDR thuần rất cao, và số dư lãi và phí phải thu cũng cao hơn đa số bình quân của các ngân hàng khác cho thấy Ngân hàng hiện vẫn còn một số vấn đề phải xử lý. Hiện chưa có động lực rõ ràng đối với giá cổ phiếu, mặc dù định giá hiện tại đã giảm tương đối mạnh về mức giá hợp lý hơn so với giai đoạn trước. P/B dự phóng hiện là 1.20 lần.

BID (HOSE – Kém khả quan) đã thông báo kết quả kinh doanh năm 2015 trước kiểm toán cho thấy LNTT đạt 7.944 tỷ đồng (tăng 26,16% so với năm trước) và vượt 5,9% so với kế hoạch đầu năm của Ngân hàng đặt ra. Động lực chính là do sự tăng trưởng mạnh ở cả huy động và cho vay khách hàng, cùng với sự giảm mạnh của chi phí dự phòng (giảm 16,93% so với năm trước).

Cho vay khách hàng tăng mạnh đạt 598,45 nghìn tỷ đồng – tương đương mức tăng 34,21% so với năm trước nếu chúng ta bao gồm cả số dư nợ cũ của MHB trước khi sáp nhập và tương đương mức tăng 27,5% nếu loại trừ dư nợ cũ của MHB. BID ghi nhận sự tăng mạnh đối với dư nợ ở tất cả các loại kỳ hạn, cụ thể nợ ngắn hạn tăng 32,83% so với năm trước (đạt 340,85 nghìn tỷ đồng), nợ trung hạn tăng 31,84% so với năm trước (đạt 81,99 nghìn tỷ đồng) và nợ dài hạn tăng 38,39% so với năm trước (đạt 175,61 nghìn tỷ đồng). Tổng tỷ trọng nợ trung và dài hạn tăng nhẹ từ 42,4% vào cuối năm 2014 (189 nghìn tỷ đồng) lên 43% vào cuối năm 2015 (đạt 257 nghìn tỷ đồng).

Trong khi tỷ trọng của dư nợ bằng USD và ngoại tệ khác lại giảm từ 13,27% xuống chỉ còn 10,51% (tương đương 62,91 nghìn tỷ đồng) trong năm 2015. Sự sụt giảm này được giải thích chủ yếu bởi các chính sách thắt chặt hơn đối với việc cho vay bằng ngoại tệ của NHNN. Hiện tại, chúng tôi chưa có đủ thông tin chi tiết về phân bổ ngành nghề đối với danh mục coh vay khách hàng, do đó, sẽ nghiên cứu kỹ hơn về khoản mục này từ báo cáo kiểm toán được phát hành sau đây.

Huy động khách hàng tăng chậm hơn so với cho vay – đạt mức tăng 28,18% ( 564,59 nghìn tỷ đồng) so với năm trước nếu bao gồm cả số dư cũ của MHB và 21,50% so với năm trước nếu không bao gồm số dư của MHB. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 34,50% trong khi tiền gửi có kỳ hạn tăng 17,24%. Do đó, tỷ trọng của tiền gửi có kỳ hạn sụt giảm từ mức 82,92% vào cuối năm 2014 xuống còn 80,88% vào cuối năm 2015. Chúng tôi cũng lưu ý rằng mặc dù lãi suất huy động đối với USD hiện rất thấp, nhưng số dư huy động USD vẫn tăng 27,42% so với năm trước và đạt số quy đổi là 46,20 nghìn tỷ đồng, tương ứng 8,18% tổng huy động tiền gửi và tiết kiệm từ khách hàng. Lý do của sự gia tăng này có thể là do tâm lý lo ngại đối với khả năng mất giá của tiền VNĐ.

Tỷ lệ LDR thuần vẫn trên 100% và cho thấy những nguy cơ về rủi ro thanh khoản – Căn cứ vào báo cáo rủi ro tiền tệ của BID, chúng tôi ước tính tỷ lệ LDR thuần đối với VNĐ là 103,31% và đối với USD và các ngoại tệ khác quy đổi ra USD là 136,16%. LDR thuần cho toàn bộ các loại tiền tệ quy đổi ra VNĐ là 106% hiện là một mức rất cao so với bình quân các ngân hàng niêm yết. Báo cáo rủi ro thanh khoản cũng cho thấy rằng BID là ngân hàng có mức độ tập trung cao nhất các nguồn huy động tiền gửi ngắn hạn, cụ thể là 97,5% tổng số dư huy động khách hàng của BID có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 1 năm, và 64,21% có kỳ đáo hạn còn lại trong vòng 3 tháng. Trong khi, ở những ngân hàng khác, tỷ trọng này ở mức thấp hơn, ví dụ như VCB tương ứng là 92,6% và 62,24%, ở CTG là 89,9% và 52,1% còn ở MBB là 89,9% và 59,5%.

Do đó, tình trạng thiết hụt các nguồn vốn trung và dài hạn hiện tại cùng với tỷ lệ LDR thuần đang rất cao cho thấy rằng, BID sẽ tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng và kênh hỗ trỡ vốn của NHNN (ví dụ OMO). Và nếu BID muốn cải thiện tình trạng này, Ngân hàng sẽ phải áp dụng một chính sách lãi suất huy động cạnh tranh hơn nữa. Từ đó, tỷ lệ NIM sẽ bị áp lực và khó tăng lên.

Tỷ lệ NIM đã giảm 0,21% từ 3,09% năm 2014 xuống 2,87% năm 2015 – với lợi suất bình quân giảm 0,78% xuống 7,27% và chi phí huy động bình quân giảm 0,64% xuống 4,36%. Trong đó, lợi suất bình quân của tài sản giảm do lợi suất gộp của từng nhóm tài sản giảm hơn là do có sự thay đổi lớn trong cấu trúc tổng tài sản sinh lãi. Thực tế, gần như không có sự thay đổi đối với cấu trúc tổng tài sản sinh lãi với 76% là các khoản vay của khách hàng, 15% là đầu tư trái phiếu và khoảng 8,5% là các tài sản khác.

Cụ thể, chúng tôi lưu ý rằng lợi suất gộp từ cho vay khách hàng đã giảm 0,85% từ 8,53% xuống 7,68% trong năm 2015 do BID hạ lãi suất cho vay theo hướng dẫn của NHNN. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, trong năm 2015, Ngân hàng cũng có thể phải thoái một số lãi dự thu liên quan đến hoán đổi trái phiếu VAMC từ các khoản vay thuộc Nhóm 1 (nếu có) và từ các hoạt động xử lý nợ khác, theo đó kéo lợi suất gộp từ các khoản vay giảm hơn nữa.

Đồng thời, lợi suất gộp đối với danh mục đầu tư trái phiếu cũng giảm 1,11% từ 7,85% xuống chỉ 6,73% trong năm 2015. Sự suy giảm này không phải là kết quả của hoạt động chốt lời khi mà BID đã bán hầu hết trái phiếu chính phủ lãi suất cao trong năm 2014. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng, lợi suất đầu tư giảm có thể giải thích (1) là do sự bổ sung một lượng lớn trái phiếu VAMC với lãi suất coupon bằng không vào danh mục đầu tư trái phiếu, (2) mua vào trái phiếu Chính phủ phát hành mới với lãi suất coupon rất thấp trong năm 2015 và (3) đầu tư vào Tín phiếu kho bạc và Tín phiếu của NHNN cũng với lãi suất coupon rất thấp (khoảng 3% đối với Tín phiếu NHNN kỳ hạn 1 tháng, 3,5% đối với kỳ hạn 3 tháng và 4,5% đối với kỳ hạn 6 tháng).

Về phía huy động, chi phí huy động bình quân của BID đã giảm 0,64% – chủ yếu do lãi suất huy động giảm 0,82% xuống 4,49% (chiếm 71,41% tổng nguồn huy động), lãi suất các giấy tờ có giá giảm 2,21% xuống 6,57% (chiếm 8,29% tổng huy động, tăng từ mức 3,33% năm 2014). Chúng tôi lưu ý ở đây rằng trong năm 2015, BID đã phát hành hơn 40 nghìn tỷ chứng chỉ tiền gửi (tăng 618,20% so với năm 2014). Trong đó, 24 nghìn tỷ là chứng chỉ ngắn hạn và 15,5 nghìn tỷ là trung đến dài hạn. Đồng thời, Ngân hàng cũng phát hành hơn 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu dài hạn bổ sung vốn Cấp 2. Tất cả đều có lãi suất khá thấp, theo đó kéo chi phí lợi suất gộp đối với các giấy tờ có giá giảm.

Thu nhập lãi thuần tăng trưởng ở mức độ hợp lý – Thu nhâp lãi thuần tăng trưởng 15,01% đạt 19.327 tỷ đồng với tăng trưởng khá của cả cho vay và huy động khách hàng phần nào bù đắp sự suy giảm của tỷ lệ NIM. Lãi dự thu cũng tăng 14,15% so với cùng kỳ đạt 9.481 tỷ đồng.

Tổng các nguồn thu nhập ngoài lãi vay giảm 12,36% so với cùng kỳ xuống 5.332 tỷ đồng – các nguồn thu nhập tăng bao gồm lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng 29,55% đạt 2.335 tỷ đồng, các thu nhập khác tăng trưởng 46,62% đạt 2.337 tỷ đồng và thu nhập cổ tức tăng trưởng 29,34% đạt 480 tỷ đồng. Chúng tôi không có thông tin chi tiết về mục các thu nhập khác, tuy nhiên, chúng tôi giả định phần lớn thu nhập đến từ thu hồi nợ xấu. Mức xử lý bình quân đối với nợ xấu thông thường trong 4 năm qua của Ngân hàng là 5.438 tỷ đồng mỗi năm và giả định tỷ lệ thu hồi nợ xấu ở mức 25% -30% là hợp lý.

Các nguồn thu nhập ghi nhận giảm là từ HĐKD ngoại hối và hoạt động giao dịch/đầu tư chứng khoán. Một phần do danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ của Ngân hàng không tạo nhiều lợi nhuận trong năm 2015. BID vẫn nắm giữ cổ phần tại VID – Public mặc dù Ngân hàng đã có kế hoạch bán khoản đầu tư này trong năm 2015 và dự kiến ghi nhận khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn chưa hoàn tất và có thể ghi nhận lợi nhuận trong năm 2016.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động tăng đạt 24.704 tỷ đồng (tăng trưởng 12,77%)

Chi phí hoạt động tăng vọt 27,06% so với cùng kỳ – lên 10.957 tỷ đồng do sau sáp nhập, nhân sự và số lượng chi nhánh tăng lên, theo đó đẩy hệ số CIR tăng lên 44,35% từ mức 39,37% trước đó. Cụ thể, chi phí nhân công đã tăng 26,21% so với cùng kỳ lên 6.209 tỷ đồng do tổng số lượng CBNV tăng 25% so với năm 2014 (lên 23.687 người đến cuối năm 2015). Bên cạnh đó, chi phí liên quan đến tài sản tăng 31,33% so với cùng kỳ là 2.050 tỷ đồng và chi phí quản lý khác tăng 23,33% so với cùng kỳ là 2.357 tỷ đồng.

Tổng chi phí dự phòng khác đối với các rủi ro không liên quan đến hoạt động tín dụng (được ghi nhận là chi phí hoạt động theo Thông tư 49/2014/TT-NHNN) là khá nhỏ, chỉ là 27,39 tỷ đồng. Theo đó, hệ số CIR vẫn ở mức cho phép.

Chi phí dự phòng giảm 16,93% so với cùng kỳ – là 5.802 tỷ đồng. Chi phí này bao gồm 4.892 tỷ đồng chi phí dự dự phòng cho vay khách hàng (giảm 29,89% so với cùng kỳ, trong đó 893,60 tỷ đồng là dự phòng chung (tăng 88,43% so với cùng kỳ) và 3.998 tỷ đồng là dự phòng cụ thể (giảm 38,5% so với cùng kỳ). Chi phí dự phòng cho vay liên ngân hàng, trái phiếu VAMC và các rủi ro tín dụng khác từ trái phiếu doanh nghiệp,… là 910,70 tỷ đồng. Chúng tôi thiếu con số dự phòng cụ thể cho con số 910,70 tỷ đồng này, tuy nhiên giả định phần lớn chi phí dự phòng này là trích lập cho số trái phiếu VAMC được hoán đổi trong năm 2013 – 2014. Đến cuối năm 2014, BID đã có khoảng 6.400 tỷ đồng trái phiếu VAMC, theo đó sẽ tăng thêm 1.280 tỷ đồng chi phí dự phòng trong năm 2015. Tuy nhiên, Ngân hàng cũng có thể đã thu hồi một số tài sản đảm bảo và giảm mức chi phí dự phòng cần thiết.

Chúng tôi ước tính tổng mệnh giá trái phiếu VAMC đến cuối năm 2015 là 22.000 tỷ đồng, có nghĩa là từ năm 2016, BID sẽ phải trích lập ít nhất 4.400 tỷ đồng dự phòng chỉ cho số trái phiếu này.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý giảm còn 1,62% từ mức 2,03% trong năm 2014 – BID báo cáo tỷ lệ nợ xấu thấp, sau khi dư nơ tăng mạnh (34,21% so với cùng kỳ). Dù vậy, nợ nhóm 5 vẫn chiếm tỷ trọng nợ xấu lớn nhất (1,00% hay 5.193 tỷ đồng), nợ nhóm 3 là 0,7% hay 3.626 tỷ đồng và nợ nhóm 4 là 0,17% hay 878 tỷ đồng.

Hệ số LLR được cải thiện từ 73,1% lên 76% và tổng chi phí dự phòng tích lũy chiếm 1,23% tổng dư nợ trong năm 2015. Tổng số nợ được xóa trong năm là 3.906 tỷ đồng (giảm 64,71% so với cùng kỳ) và chiếm 0,7% tổng dư nợ tính đến cuối năm 2015.

LNTT đạt 7.944 tỷ đồng nhưng LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 5.841 tỷ đồng sau khi 552,59 tỷ đồng lỗ lũy kết từ MHB sau khi sáp nhập – Hiện BID chưa có thông tin bổ sung cho biết khoản lỗ này là một phần hay toàn bộ lỗ từ MHB mang sang; đồng thời cũng chưa rõ liệu BID có được Bộ Tài chính cho miễn giảm thuế đối với khoản lỗ này hay không. Tuy nhiên theo chúng tôi, lỗ lũy kế ít có khả năng được Bộ Tài chính cho phép miễn giảm thuế. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy khoản lỗ này được trình bày trên Bảng báo cáo KQKD bên dưới mục LNST. Và mặc dù việc giảm thuế áp dụng cho các ngân hàng tái cơ cấu đã được đề xuất, thì Bộ Tài chính có vẻ vẫn luôn không muốn áp dụng đề xuất này. Theo đó chúng tôi cho rằng BID cũng sẽ không phải là ngoại lệ.

Hệ số CAR tính theo Thông tư 36 chỉ hơn 9% do Ngân hàng chưa tăng vốn cấp 1 trong 2015 – Vào đầu 2015, BID có vẻ khá lạc quan về kế hoạch tăng vốn cấp 1 của mình thông qua phát hành phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, cuối cùng ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Hiện BID không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng cho vay khách hàng trong năm nay do Ngân hàng không thể phát hành thêm nhiều vốn cấp 2 mà không tăng vốn cấp 1. Theo đó BID cần nhanh chóng tăng vốn cấp 1 bằng không tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 sẽ rất kém.

Cho 2016, HSC dự báo LNTT giảm 4,76% – xuống còn 7.565 tỷ đồng với giả định tăng trưởng tín dụng kém đi và chi phí dự phòng tăng vọt 105,93% lên 11.949 tỷ đồng. Chúng tôi đưa ra các giả định như sau;

(1) Tín dụng khách hàng tăng 18% lên 706,178 nghìn tỷ đồng và vốn huy động khách hàng tăng 20% lên 677,506 nghìn tỷ đồng. Theo đó hệ số LDR thuần sẽ giảm nhẹ từ 106% xuống còn 104,2%.

(2) Mặc dù vậy tỷ lệ NIM sẽ tăng 0,1% lên 2,97% nhờ lãi suất cho vay tăng. Trong khi đó chi phí huy động kỳ hạn dài cũng sẽ phải tăng để bù cho rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất. Lý do chính giúp tỷ lệ NIM tăng ở đây là BID tăng vốn cộng với giảm thoái lãi dự thu trong năm nay.

(3) Theo đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 25,80% lên 24.371 tỷ đồng. Trong khi đó chúng tôi cho rằng thu nhập ngoài lãi sẽ tăng 34,98% lên 7.197 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi giả định lãi thuần HĐ dịch vụ, thu nhập từ thu hồi nợ xấu và thu nhập từ cổ tức sẽ có sự tăng trưởng khá. Chúng tôi cũng dự báo BID sẽ ghi nhận 1.000 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn tại Ngân hàng VID Public trong 2016.

(4) Giả định chi phí hoạt động sẽ tăng 10% lên 12.053 tỷ đồng và hệ số CIR sẽ giảm xuống 38%.

(5) Tuy nhiên, chúng tôi giả định chi phí dự phòng sẽ tăng 105,93% lên 11.949 tỷ đồng. Trong đó gồm (a) 4.400 tỷ đồng trích lập cho trái phiếu VAMC (tăng 266,67%) dựa trên ước tính của chúng tôi là tổng giá trị trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối 2015 là 22.000 tỷ đồng – bằng 3,7% tổng dư nợ năm 2015 với tỷ lệ trích lập là 20%/năm (b) 7.549 tỷ đồng trích lập cho nợ xấu (tăng 54,33%). Trong đó có 1.026 tỷ đồng là dự phòng chung và 3.967 tỷ đồng là dự phòng cụ thể.

(6) Chúng tôi cũng giả định BID sẽ phát hành được 15% cổ phần cho NĐT trong năm 2016 với giá cao hơn mệnh giá; từ đó giúp cải thiện hệ số CAR tính theo Thông tư 36 năm 2016 lên 10%.

Hiện cổ phiếu đã rẻ hơn nhiều so với trước nhưng tại ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và hiện có ít động lực hỗ trợ giá cổ phiếu – P/B dự phóng của cổ phiếu BID là 1,2 lần; thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của năm ngoái. Tuy nhiên hiện BID đang có hệ số LDR cao, hệ số CAR thấp, tỷ lệ lãi dự thu cao và trái phiếu VAMC tăng nhanh. Theo đó chi phí dự phòng trích lập của Ngân hàng sẽ tăng nhanh trong vài năm tới trong khi thu nhập lãi thuần sẽ bị ảnh hưởng do tỷ lệ NIM thấp. Giá cổ phiếu có thể tăng nếu BID tìm được đối tác chiến lược. Ngoài ra chúng tôi không thấy có nhiều động lực hỗ trợ giá cổ phiếu với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm sẽ kém. Và hiện dư nợ tại HAG cũng là một vấn đề nữa đang được nhiều người quan tâm. Theo đó chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá Kém khả quan đối với cổ phiếu BID.

Nguồn: HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý