Tin ngành – Dự kiến ngày 21/6 Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu – Truyền thông đưa tin Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết với các hành lang pháp lý giúp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu vào ngày 21/06 tới. Ngày 21/6 cũng là phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội và nếu Nghị quyết chưa được thông qua trong kỳ họp này thì sẽ phải chờ đợi kỳ họp tiếp theo vào Q4.
Đồ thị cổ phiếu BID phiên giao dịch ngày 14/06/2017. Nguồn: AmiBroker
Kết luận nhanh – Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu vào phiên bế mạc ngày 21/6. Đây được coi là bước quan trọng thực sự tác động tới việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ xấu đã bao trùm ngành ngân hàng kể từ năm 2012. Từ đó nhiều ngân hàng sẽ có thể hoạt động bình thường trở lại từ năm 2018 trở đi. Đồng thời cũng giúp các ngân hàng chuẩn bị cho Basel 2 sẽ được áp dụng từ năm 2020. Cổ phiếu ngân hàng đã tăng trong những tuần gần đây trước kỳ vọng Nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua.
Nội dung Nghị quyết được NHNN xây dựng nhằm xử lý triệt để vấn đề bán nợ xấu với mục đích:
• Hầu hết các ngân hàng có thể tăng trưởng tín dụng bình thường trở lại.
• Quá trình tái cơ cấu và tăng vốn trong ngành ngân hàng có thể được thực hiện.
• Ngành ngân hàng chuẩn bị đầy đủ cho việc áp dụng Basel 2 vào năm 2020.
Nghị quyết đánh dấu bước tiến lớn trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho việc bán nợ xấu – Nội dung quan trọng của Nghị quyết là tăng thêm quyền tự quyết cho các ngân hàng trong việc thu giữ và chuyển quyền sở hữu tài sản đảm bảo và bán thanh lý nợ xấu cùng tài sản đảm bảo ở giá thị trường và phân bổ lỗ từ xử lý nợ xấu trong vòng 5-10 năm. Nghị quyết cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng thị trường mua bán nợ thứ cấp. Như vậy chủ nợ (ngay cả VAMC) sẽ có thêm quyền tự quyết trong việc bán nợ với giá mà thị trường chấp nhận.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận nội dung Nghị quyết trước khi tiến hành thông qua – Hiện Quốc hội cũng đã thảo luận nội dung Nghị quyết và việc thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua. NHNN cũng như ban soạn thảo có lẽ hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua Nghị quyết vì hiện đang có động lực lớn đối với việc tìm ra một giải pháp xử lý phần nợ xấu còn lại. VAMC cho đến nay chưa thể xử lý được nhiều số nợ xấu mua về; chủ yếu là do nhiều trở ngại trong việc đạt được quyền ở hữu đối với tài sản đảm bảo. Nghị quyết trên sẽ giải quyết được hầu hết những trở ngại này và xử lý triệt để vấn đề nợ xấu như đã đề cập trong nhiều năm qua.
Các ngân hàng cũng sẵn sàng hơn cho việc bán nợ xấu nhờ quá trình trích lập dự phòng có nhiều tiến triển – Các ngân hàng đã nghiêm túc trích lập nợ xấu kể từ năm 2012. Sau 5 năm trích lập dự phòng thì HSC ước tính tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết kể từ năm 2012 là khoảng 103,86 nghìn tỷ đồng và đưa tỷ lệ NPL về 1,97%. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải cộng thêm vào đây toàn bộ giá trị mệnh giá của trái phiếu VAMC là khoảng 90,89 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,48% so với tổng dư nợ) trong khi giá trị còn lại sau khi đã trích lập dự phòng của trái phiếu VAMC là 76 nghìn tỷ (khoảng 2,91% tổng dư nợ). Do đó, chúng tôi ước tính là NPL của các ngân hàng niêm yết ở mức 5,45%, giảm từ mức đỉnh 17-25% được ước tính trong giai đoạn khủng hoảng. Theo đó hiện hầu hết các ngân hàng đã sẵn sàng hơn với việc bán nợ xấu và tài sản đảm bảo ở giá thị trường. Chúng tôi ước tính một cách an toàn rằng giá trị thanh lý của các khoản nợ trên thị trường thứ cấp có thể là khoảng 25-35% giá trị ghi sổ và tất nhiên phụ thuộc nhiều vào giá trị của tài sản đảm bảo.
Một thị trường mua bán nợ cũng sẽ được tạo lập – Nếu Nghị quyết được thông qua, sẽ cần vài tháng để xây dựng các quy trình và thủ tục để hướng dẫn chi tiết hơn về việc triển khai mua bán nợ; theo đó chúng tôi cho rằng một thị trường mua bán nợ có thể được tạo lập và đi vào hoạt động từ đầu năm sau. Với giá cả thị trường sẽ được sử dụng làm cơ sở chính cho việc bán nợ, chúng tôi cho rằng nhu cầu mua nợ sẽ cao. Và người mua chủ yếu có thể bao gồm các ngân hàng, doanh nghiệp đầu tư BĐS và chủ đầu tư BĐS; chủ nợ hiện giờ, NĐT trong nước và nước ngoài.
BCTC 6 tháng đầu năm sẽ bắt đầu được công bố từ giữa tháng sau – Chỉ còn 1 tháng nữa là đến mùa công bố KQKD 6 tháng đầu năm; và có thể sẽ có những thông tin được các lãnh đạo ngân hàng hé lộ về KQKD trong những tuần tới. Nói chung KQKD có lẽ sẽ khả quan như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng đang cao hơn kỳ vọng nhưng tỷ lệ NIM lại thấp hơn kỳ vọng. Cho vay tiêu dùng và cho vay BĐS với lãi suất cho vay cao tăng trưởng tốt.
Theo đó chúng tôi kỳ vọng thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong khi thu nhập từ các mảng khác cũng được cải thiện. Dự kiến dự phòng trích lập sẽ được đẩy mạnh hơn trong Q2 so với Q1 và điều này là hoàn toàn bình thường. Nhìn chung, có thể KQKD của MBB; VCB và có lẽ cả ACB sẽ có những bất ngờ tích cực.
Định giá đã tăng lên những vẫn ở mức hợp lý – Đối với các ngân hàng niêm yết, P/B bình quân gia quyền là 1,75 lần (đầu năm là 1,49 lần) trong đó riêng P/B của VCB đã là 2,56 lần. Cổ phiếu ngân hàng đã tăng tốt với mức tăng dao động từ 10,6% đến 58,7% so với đầu năm. Cho dù vậy chúng tôi không cho rằng định giá đã đắt; đặc biệt là đối với một số ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dự kiến sẽ rất khả quan trong năm sau và năm 2019.
Giá cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn – Về ngắn hạn giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng khá và chúng tôi cho rằng sẽ có sự củng cố trong mùa hè do các NĐT chốt lời. Và đây sẽ là cơ hội cho NĐT mua vào cổ phiếu ngân hàng khi giá giảm một chút. Chúng tôi cho rằng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của hầu hết các NĐT tổ chức vẫn thấp nên các NĐT này sẽ mua vào khi giá giảm. Với nhu cầu chưa được đáp ứng hết này sẽ giúp giá cổ phiếu ngân hàng không giảm sâu trong những tháng tới.
Các ngân hàng sắp niêm yết sẽ tăng thêm lựa chọn cho NĐT – Các ngân hàng như VPBank; HDBank; Techcombank và OCB dự kiến sẽ niêm yết trong 6-12 tháng tới; từ đó sẽ tăng thêm lựa chọn cho NĐT khi đầu tư vào ngành này. Hiện NĐT có ít lựa chọn vì room của ACB & MBB đã đầy còn các ngân hàng khác như STB hiện vẫn dưới triển vọng có thể đầu tư. EIB cũng là ngân hàng còn nhiều bất ổn ở cơ cấu cổ đông nên khó có thể khuyến nghị đầu tư. Trái lại các ngân hàng quy mô trung bình sắp niêm yết khá hấp dẫn vì đây là những ngân hàng được quản trị tốt và có tiềm năng tăng trưởng với thiên hướng nghiêng về cho vay tiêu dùng với tài sản khá sạch. Theo đó NĐT có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục bằng với mức tỷ trọng bình quân hoặc cao hơn mà không phải mua trực tiếp trên thị trường.
Nguồn: HSC