Chào các bạn! Trong bài viết này mình sẽ liệt kê những vai trò của TTCK đối với nền kinh tế.
Như các bạn đã biết, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cùng với các hiệp định tự do thương mại, các ETA đa phương lẫn song phương trong thời gian qua đòi hỏi các quốc gia phải thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao và hiệu quả. Thực tế phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới đã khẳng định vai trò quan trọng của TTCK trong phát triển kinh tế.
Vai trò của Thị Trường Chứng Khoán. Ảnh: Nguồn Internet
Thứ nhất, TTCK là kênh huy động, tập trung và phân phối vốn, chuyển thời hạn của vốn cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Việc huy động vốn trên TTCK có thể làm tăng vốn tự có của các công ty, giúp họ tránh các khoản vay có chi phí cao cũng như sự kiểm soát chặt chẽ từ các Ngân hàng thương mại. TTCK khuyến khích sự cạnh tranh của các công ty trên thị trường. Sự tồn tại của TTCK cũng là yếu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.Đây chính là yếu tố đảm bảo cho sự phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong một quốc gia cũng như trong phạm vi quốc tế.
Với 15 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam, quy mô của thị trường ngày càng được mở rộng. Đến nay, vốn hóa của TTCK Việt Nam đã trên dưới 1 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 25% GDP. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khá thấp so với quy mô của nền kinh tế cũng như so với cả các nước trong khu vực.
Thứ hai, TTCK góp phần thực hiện tái phân phối công bằng hơn thông qua việc buộc các tập đoàn gia đình trị phải phát hành chứng khoán ra công chúng, giải tỏa sự tập trung quyền lợi kinh tế của các tập đoàn, song vẫn tập trung vốn cho nền kinh tế. Việc giải tỏa tập trung quyền lợi kinh tế cũng tạo điều kiện cạnh tranh công bằng hơn, qua đó tạo hiểu quả và tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, TTCK tạo điều kiện cho việc tách bạch giữa sở hữu và quản lý doanh nghiệp. Khi quy mô của DN tăng lên, môi trường kinh doanh trở lên phức tạp hơn, nhu cầu về quản lý chuyên trách cũng tăng theo. TTCK tạo điều kiện cho việc tiết kiệm vốn và chất xám, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ tư, Hiệu quả quốc tế hóa TTCK. Việc mở cửa TTCK làm tăng tính lỏng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cho phép các công ty có thể huy động nguồn vốn rẻ hơn, tăng cường đầu tư từ nguồn tiết kiệm bên ngoài, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và mở rộng các cơ hội kinh doanh của các công ty trong nước.
Hàn Quốc, Singapore, Thailand, Malaysia là những minh chứng điển hình về việc tận dụng các cơ hội do TTCK mang lại.
Thứ năm, TTCK tạo cơ hội cho Chính phủ huy động các nguồn tài chính mà không áp lực về lạm phát, đồng thời tạo các công cụ cho việc thực hiện chính sách tài chính tiền tệ của chính phủ.
Thứ sáu, TTCK tạo cũng tạo điều kiện để Chính phủ tái cấu trúc nền kinh tế.
Ngoài những tác động tích cực trên đây,TTCK cũng có những tác động tiêu cực nhất định. TTCK hoạt động trên cơ sở thông tin hoàn hảo. Song ở các thị trường mới nổi, thông tin được truyền tải tới các NĐT không đầy đủ và không giống nhau. Việc quyết định giá cả, mua bán chứng khoán của các NĐT không dựa trên cơ sở thông tin và xử lý thông tin. Như vậy, giá cả chứng khoán không phản ánh giá trị kinh tế cơ bản của công ty và không trở thành cơ sở để phân phối một cách có hiệu quả các nguồn lực.
Một số tiêu cực khác của TTCK như hiện tượng đầu cơ, hiện tượng xung đột quyền lực làm thiệt hại cho quyền lợi của các cổ đông thiểu số, việc mua bán nội gián, thao túng thị trường làm nản lòng các NĐT và như vậy sẽ tác động tiêu cực tới tiết kiệm và đầu tư. Nhiệm vụ của các nhà quản lý thị trường là giảm thiểu các tác động tiêu cực của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của các NĐT và đảm bảo cho tính hiệu quả của thị trường.
Như vậy, vai trò của TTCK được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Song vai trò tích cực hay tiêu cực của TTCK có thực sự được phát huy hay hạn chế phụ thuộc đáng kể vào các chủ thể tham gia thị trường và sự quản lý của Nhà nước.
Phan Nhật Cường – Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Cao cấp
Điện thoại / Zalo: 0912842224
Fanpage: Đầu Tư Cổ Phiếu
Website: dautucophieu.net