DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Vật liệu hóa chất – Các nhà máy ure: Không cần nhường khí cho sản xuất điện

Lượt xem: 1,465 - Ngày:
Chia sẻ

Đề nghị của EVN tạo ra áp lực bán không đáng có đối với cổ phiếu DCM và DPM

EVN đã đề nghị PVN dừng/giảm cấp khí cho các doanh nghiệp sản xuất urê để ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô tháng 5, 6; và CMSC đã từ chối đề nghị này. Trên thực tế, HSC cho rằng thiệt hại của việc ngừng hoạt động các nhà máy urê có thể sẽ cao hơn lợi ích từ nâng được sản lượng điện. Trong khi đó, EVN cũng có nhiều phương án để tăng sản lượng điện, chẳng hạn như mua thêm khí từ Petronas (Malaysia), chuyển sang sử dụng dầu DO ở một số nhà máy điện khí và ký PPA với 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

EVN đề nghị các nhà máy đạm nhường khí cho sản xuất điện

Thời gian gần đây, truyền thông trong nước đã đăng tải nội dung văn bản EVN gửi PVN đề nghị PVN dừng/giảm cấp khí cho DCM và DPM, 2 doanh nghiệp sản xuất urê HSC khuyến nghị để ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong các tháng cao điểm mùa khô tháng 5, 6 trong bối cảnh sản lượng điện giảm (đặc biệt là thủy điện).

Thông tin trên đã khiến giá cổ phiếu DCM & DPM giảm và HSC cho rằng áp lực bán là không có cơ sở. Cụ thể:

  • Trong cuộc họp vào thứ 5 tuần trước, ngày 18/5 giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và các bên liên quan (EVN, PVN, DCM, DPM và các bên liên quan khác), CMSC không đồng ý giảm khí dành cho các doanh nghiệp sản xuất urê theo đề nghị của EVN.
  • Trong khi đó ban lãnh đạo của DPM và DCM cho biết PVN và các bên liên quan (DPM, DCM) sẽ không thể tự quyết định những sự việc có tính chất như trên.

PVN có quan điểm hỗ trợ các khách hàng, nhưng không có thẩm quyền ra quyết định ở vấn đề này

HSC được biết toàn bộ các doanh nghiệp sử dụng khí – gồm doanh nghiệp sản xuất urê như DCM & DPM, doanh nghiệp sản xuất điện như POW & NT2 và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác – có hợp đồng cung cấp khí dài hạn với PVN hoặc công ty con của PVN là GAS (Nắm giữ, giá mục tiêu 110.000đ). Do trữ lượng khí có giới hạn, nên PVN thường phân bổ nguồn khí hàng năm cho mỗi đối tượng sử dụng dựa trên kế hoạch sản xuất hàng năm của những đơn vị này.

Trong kế hoạch cung cấp khí tổng thể của mình, PVN cũng tìm cách cân bằng sản lượng cung cấp cho toàn bộ đối tượng dùng khí dựa trên yêu cầu của các đơn vị này (bao gồm cả thời gian cung cấp). Chẳng hạn, DPM thường bảo dưỡng định kỳ nhà máy (dừng hoạt động trong hơn 20 ngày) vào cuối Q1 và Q2, là thời gian cao điểm sản xuất điện. Theo đó, PVN sẽ tăng nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện.

Theo chúng tôi, nhu cầu khí của EVN tăng cao nhiều khả năng chỉ là tạm thời (trong tháng 5-6) cho đến khi công suất thủy điện hồi phục. HSC cho rằng PVN nhận thấy vấn đề này và ít có khả năng giảm cấp khí cho các khách hàng dài hạn, đặc biệt khi điều này vi phạm hợp đồng. PVN có lẽ cũng không muốn dừng/giảm cấp khí cho DPM và DCM vì PVN là công ty mẹ của cả 2 doanh nghiệp này.

Việc dừng/giảm khí của các nhà máy đạm không giúp nhiều cho hệ thống điện

Nhu cầu tiêu thụ khí của 2 nhà máy DCM và DPM ở mức 1,5-1,8 triệu m3/ngày mỗi nhà máy. HSC ước tính việc dừng/giảm khí cho các nhà máy urê để sản xuất điện (trong 2 tháng theo đề nghị của EVN) cũng chỉ giúp tổng sản lượng điện phát tăng thêm chưa đến 1% trong năm 2023.

Trong khi đó, việc dừng sản xuất các nhà máy urê sẽ làm phát sinh những chi phí rất lớn (EVN đã không đề cập đến việc bồi thường những chi phí này cho DCM và DPM trong trường hợp dừng sản xuất).

  • Ước tính chi phí cố định khi dừng sản xuất nhà máy urê là 4-5 tỷ đồng/ngày.
  • Doanh thu giảm vì sản lượng sản xuất giảm và nhà máy urê có thể phải chịu các khoản phạt do vi phạm hợp đồng với khách hàng.
  • Cả 2 doanh nghiệp sản xuất urê sẽ mất thị phần về tay phân bón nhập khẩu.
  • Có thể xảy ra tình trạng thiếu phân đạm trên thị trường nội địa trong vụ hè thu sắp tới khi nguồn nhập khẩu không thể nhanh chóng bù đắp.

Vì vậy, thiệt hại từ việc ngừng hoạt động các nhà máy của 2 doanh nghiệp sản xuất urê có thể sẽ cao hơn lợi ích từ việc nâng được sản lượng điện.

Quan trọng là EVN đã không đề cập đến người sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất trong trường hợp dừng hoạt động các nhà máy urê.

EVN có nhiều phương án để tăng sản lượng điện

Trên thực tế, EVN có phương án khác để nâng sản lượng điện trong thời gian cao điểm mà không cần dừng/giảm cấp khí cho các nhà máy urê. Hiện tại, CM1 và CM2 lấy khí từ cụm mỏ PM3-CAA. Cụm mỏ này nằm trong vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia với sản lượng khí khai thác được chia cho 2 nước. Trong đó PVN đại diện cho phía Việt Nam và Petronas đại điện cho phía Malaysia.

Phần sản lượng Việt Nam được hưởng là khoảng 1,8-1,9 tỷ m3/năm, được phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất điện CM1 & CM2 (1,4 tỷ m3/năm) và doanh nghiệp sản xuất phân bón DCM (0,5 tỷ m3/năm). Trong trường hợp nhu cầu điện năng cao hơn dự kiến, PVN có thể đàm phán với Petronas để mua khí từ tập đoàn này.

Ngoài ra, NT1 (nhà máy điện sử dụng nguồn khí tự nhiên từ bể Nam Côn Sơn) có thể dùng dầu DO để phát điện nếu thiếu khí.

Về dài hạn, hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (các dự án điện gió và điện mặt trời không kịp phát điện trước thời hạn cuối để hưởng chính sách giá FIT và chưa có hợp đồng PPA với EVN) với tổng công suất 4,7 GW (4,2 GW điện gió và 0,5 GW điện mặt trời). Nếu hòa lưới điện, các dự án này có thể sản xuất khoảng 14 tỷ kWh (tương đương 5% tổng sản lượng điện năm 2023).

Có thể nói EVN có nhiều phương án nâng sản lượng điện phát mà không cần phải hy sinh lợi ích các nhà máy urê.

Các doanh nghiệp sản xuất urê không chịu ảnh hưởng từ sự kiện trên

Tóm lại, theo quyết định của CMSC với các bên liên quan trong cuộc họp diễn ra vào thứ 5 tuần trước, DCM và DPM sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện trên.

Giá cổ phiếu DCM đã giảm 7% (kém khả quan hơn VNI 8%) trong 3 tháng qua và hiện có EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm thấp hơn 1,4 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ ở mức 2,3 lần. Trong khi đó, giá cổ phiếu DPM đã giảm 16% (kém khả quan hơn VNI 17%) trong cùng thời gian và hiện có EV/EBITDA trượt dự phóng 1 năm thấp hơn 0,1 độ lệch chuẩn so với bình quân quá khứ ở mức 2,4 lần.

HSC đang xem xét lại khuyến nghị và giá mục tiêu cho DCM và DPM.

Nguồn: HSC

Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý