Đầu tư Cổ phiếu – Phân tích chứng khoán Online

Nhận định thị trường ngày 24/12/2015 gồm cập nhật DXG, CPI tháng 12 của TP HCM, niềm tin tiêu dùng người Việt Nam và Vinatex

1. Nhận định thị trường:

Sau bốn phiên giảm liên tiếp, VN-Index đang tiến về kiểm nghiệm lại mức đáy gần nhất ở quanh 560 điểm. Trong phiên hôm nay, VN-Index hình thành cây nến đỏ dạng “Doji”, kèm theo thanh khoản duy trì ở mức thấp dưới mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất hàm ý tâm lý thận trọng, do dự của nhà đầu tư trước xu hướng giằng co khó chịu của thị trường. Đây là phiên đầu tiên, đường giá tiến về lại gần ngưỡng 560 điểm nên cần theo dõi thêm phản ứng của đường giá trong các phiên tới, nếu VN-Index giảm xuống dưới 560 điểm thì đó là tín hiệu cho xu hướng giảm tiếp tục tiếp diễn, nếu VN-Index tăng trở lại thì có hi vọng cho đường giá hình thành mô hình hai đáy.

Đồ thị VN-Index ngày 23/12/2015. Nguồn: Amibroker

 

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đường MACD vẫn đang đi lên và hướng về ngưỡng 0 trong khi đường STO đã về lại trạng thái quá bán. Các chỉ báo khác (RSI, MFI và Momentum) dù đang bước vào nhịp điều chỉnh nhưng xu hướng tăng vẫn chưa bị phá vỡ. Những tín hiệu trên được kỳ vọng có thể giúp chỉ số tăng điểm trở lại trong những phiên còn lại của tuần. Do đó, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch ngày mai 24/12 và hướng về các vùng kháng cự 570 – 575 điểm. Đồng thời, Nguyễn Văn Nguyên cho rằng chỉ số VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản thấp và chưa thể xuyên thủng mức hỗ trợ 560 điểm. Ngoài ra, hoạt động chốt NAV của các quỹ đang diễn ra và đây là động lực chính giúp thị trường có thể sẽ hồi phục trong vài phiên tới cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo trong các nhịp giảm điểm.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên chỉ số VN-Index và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 579.31 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chờ điểm mua an toàn hình thành. Đồng thời, các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tiếp tục giải ngân thêm tỷ trọng thấp ở các nhịp giảm điểm.

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 23/12/2015:

Thị trường giảm 0.37% với thanh khoản sụt giảm đáng kể, độ rộng thị trường tiêu cực. Khối ngoại quay lại mua ròng 45.2 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF discount -1.26%, FTSE ETF premium 0.1%.

Mọi nỗ lực tăng điểm trong phiên đều không thành khi VN-Index đóng cửa tiếp tục giảm -0,37% về còn 564,27 điểm. Thị trường đang thiếu thông tin hõ trợ do đó phần lớn nhà đầu tư ở trạng thái chờ đợi. Yếu tố tỷ giá đang là một trong những nhân tố khiến giới đầu tư phải đề phòng nhất trong thời gian này.

KLGD trên HOSE tăng nhẹ +7,6%, tuy nhiên GTGD chỉ tăng +5,9%. Thanh khoản tại sàn HNX giảm mạnh -25% nên GTGD cả thị trường chỉ đạt 1.897 tỷ đồng (+3,4% so với hôm qua). OGC là cổ phiếu có KLGD cao nhất hai sàn, 8 triệu cp. Kênh thỏa thuận vẫn rất sôi động: MBB (131,9 tỷ), DBC (48,9 tỷ), LAS (29,7 tỷ), MHC (31 tỷ) … BHS và SBT sau khi được vào ETF thường xuyên có thanh khoản thuộc top 10 của sàn HOSE.

Khối ngoại mua ròng trở lại trên cả hai sàn sau 16 phiên bán ròng. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 38 tỷ đồng trên HSX và 6,5 tỷ đồng trên HNX. 2 quỹ ETFs, ngoại trừ ngày 16/12 vừa qua bị rút ròng tổng gần 6,3 triệu USD thì tính đến hiện tại, xu hướng rút vốn trong ngăn hạn đã không còn. Hoạt động của khối ngoại hôm nay cũng góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước, củng cố thêm quan điểm thị trường hiện tại vẫn ổn định, chỉ đang tích lũy trong kênh giá hẹp.

Mặc dù điểm số và KLGD khớp lệnh không cải thiện nhưng mặt tích cực có thể nhận thấy từ cách thức giao dịch. Thứ nhất, lấy nhóm VN30 làm đại diện, biến động giá cao nhất – thấp nhất trong phiên khoảng 1,9%, một biến động khá rộng nhưng có đến 24/30 mã đóng cửa có giá cao hơn giá thấp nhất phiên. Như vậy phần lớn các cổ phiếu đều được nâng giá trong thời điểm cuối phiên giao dịch. Hôm nay phần lớn cổ phiếu “bắt bài ETFs” về tài khoản mà biến động giá như vậy là tương đối ổn. Thứ hai, chênh lệch khối lượng mua – bán ghi nhận mức dương 2 phiên liên tiếp. Mức chênh lệch dương giữa KL mua – bán cùng thanh khoản thấp phản ánh dòng tiền có vào thị trường nhưng khá yêu và tâm lý bán buôn ngắn hạn đang ở mức thấp. Tóm lại, thị trường chung vẫn chưa mở ra cơ hội rõ ràng cho nhà đầu tư ngắn hạn nhưng lại là thời điểm tốt cho những nhà đầu tư giá trị, dài hạn tích lũy cổ phiếu.

3. Thông tin Doanh nghiệp:

DXG: Bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh

Với sự am hiểu thị trường của một công ty môi giới BĐS hàng đầu và chiến lược tập trung vào phân khúc trung cấp, CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) có lợi thế đặc biệt để tăng trưởng bền vững khi chuyển đổi thành một chủ đầu tư BĐS.

Tăng trưởng được dự báo sẽ đạt mức cao nhờ mở rộng danh mục dự án nhanh chóng, với 12 dự án có giá trị phát triển lên đến 17.000 tỷ đồng và 10.000 sản phẩm.

EPS dự báo sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 16% trong ba năm tới, với LNST tăng trưởng 53%.

Dự báo tăng trưởng EPS có phản ánh tác động pha loãng của kế hoạch phát hành quyền chọn mua cổ phiếu trong năm 2016, trong đó số tiền thu về sẽ được dùng để mua lại dự án Venice City rộng 6,7ha. Khoản đầu tư này tuy sẽ không đóng góp vào KQLN của DXG cho đến năm 2019 nhưng sẽ giúp đảm bảo động lực tăng trưởng dài hạn.

Giá mục tiêu được điều chỉnh tăng để phản ánh nền tảng tăng trưởng tốt hơn vì DXG dự kiến sẽ khởi công một loạt dự án trong năm 2016. KN Mua.

———————————-

Vinatex công bố ước tính KQKD 2015

Vào ngày hôm qua Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức gặp mặt báo chí công bố kết quả kinh doanh năm 2015. Dưới đây là những ghi nhận chính:

Vinatex ước LNTT năm 2015 giảm 12,3% – cho 2015, công ty ước tính doanh thu hợp nhất đạt 15,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,9%) và LNTT hợp nhất đạt 465 tỷ đồng (giảm 12,3%). Doanh thu tăng chủ yếu nhờ hợp nhất doanh thu từ Tổng công ty Phong Phú (PPHC-OTC). Tổng công ty Phong Phú mới chỉ trở thành công ty con của Vinatex từ 6 tháng cuối năm ngoái. Trong khi đó hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết đằng sau ước tính LNTT giảm. Dựa trên số liệu của Vinatex, ước tính EPS năm 2015 sẽ khoảng 744đ; P/E dự phóng khoảng 14,7 lần (theo giá trúng bình quân IPO năm ngoái là 11.000đ/cp).

Đây là số liệu ước tính ban đầu và trước đây số liệu ước tính của Vinatex không phải lúc nào cũng trùng với số liệu chính thức cuối cùng. Vào năm 2014, công ty đã đưa ra ước tính KQKD nhưng không sát với số liệu chính thức cuối cùng.

4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

CPI tháng 12 của TP HCM giảm 0,2% so với cùng kỳ

Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 12 của TP HCM giảm 0,11% so với tháng liền trước và giảm 0,2% so với cùng kỳ – CPI tháng 12 của TP HCM giảm 0,2% so với cùng kỳ. Đây là thông tin bất ngờ và CPI của TP HCM thấp hơn nhiều so với Hà Nội, cho thấy chính sách quản lý giá cả khá nhất quán của TP HCM. CPI tháng 12 của TP HCM giảm 0,11% so với tháng liền trước do tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp vào ngày 3/12 và 18/12 với tổng mức giảm của xăng là 3,8% và dầu DO là 11,3%. Có 5 trong số 10 nhóm mặt hàng có chỉ số giá giảm so với tháng liền trước trong khi 5 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng liền trước.

Chỉ số giá nhóm hàng vận tải giảm 1,83% so với tháng liền trước do giá xăng dầu giảm như đề cập trên dây cộng với giá vé phương tiện giao thông công cộng giảm và cước phí giảm. Trong khi đó, chúng tôi thấy chỉ số giá nhóm hàng gia dụng giảm 1,23% so với tháng liền trước; nhóm hàng lương thực thực phẩm giảm 0,17%; văn hóa & giải trí giảm 0,58%; quần áo, mũ, giày dép giảm 0,01%. Trái lại, chúng tôi thấy chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và VLXD tăng 0,6% so với tháng liền trước; bia-rượu-thuốc lá tăng 0,14%; dược phẩm y tế tăng 0,18%; giáo dục tăng 0,04% và hàng hóa & dịch vụ khác tăng 0,41%.

———————————-

Việt Nam giảm dần nhập siêu từ ASEAN

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong giai đoạn 2005-2008, trị giá buôn bán hàng hoá hai chiều tăng bình quân khoảng 26%/năm. Cụ thể trong năm 2005, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-ASEAN chỉ đạt 14,91 tỉ USD, trong khi đó con số này của năm 2008 là 29,77 tỉ USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Trong năm 2009, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tổng trị giá giao thương giữa Việt Nam-ASEAN chỉ đạt 22,89 tỉ USD, giảm 24% so với năm trước đó. Tuy nhiên giai đoạn 2010-2012, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam-ASEAN hồi phục trở lại với mức tăng trưởng 2 con số, tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn này đạt 19%/năm. Từ năm 2013 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN vẫn đạt được tăng trưởng dương nhưng có dấu hiệu chậm lại. Và tính đến 11 tháng từ đầu năm 2015 đạt con số 39,2 tỉ USD, chỉ tăng nhẹ 0,1% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này nên tỉ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần. Cụ thể, năm 2005 có thâm hụt 3,9 tỉ USD, với tỉ lệ nhập siêu là 70,1%; đến năm 2010 thâm hụt 6 tỉ USD, với tỉ lệ nhập siêu là 57%; năm 2014 thâm hụt 4 tỉ USD, với tỉ lệ nhập siêu giảm xuống còn 20,3%. Trong 11 tháng tính từ đầu năm 2015, do kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 16,8 tỉ USD, giảm 6,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 22,4 tỉ USD, tăng 5,5% nên mức thâm hụt thương mại là 5,6 tỉ USD, tăng % so với cùng kỳ năm 2014 và tỉ lệ nhập siêu là 33,5%.

Đến nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Về xuất khẩu, ASEAN là thị trường lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU), ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

———————————-

ANZ: Niềm tin tiêu dùng người Việt tăng cao kỷ lục

Ngân hàng ANZ công bố Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam tháng 12 của ANZ-Roy Morgan tiếp tục tăng tháng thứ tư liên tiếp và đạt mức cao nhất châu Á. Cụ thể, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng 2,5 điểm, lên mức 144,8 điểm trong tháng 12. Mức điểm này cao hơn nhiều so với mức trung bình trong suốt hai năm qua là 136,6 điểm, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 9,2 điểm). Mức điểm này cũng đã đánh dấu một kỷ lục mới cho chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam và cũng là lần đầu tiên chỉ số này của Việt Nam đạt mức cao nhất châu Á. Theo ANZ, niềm tin người tiêu dùng trong tháng 12 tăng cao do sự gia tăng niềm tin vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong vòng 12 tháng và 5 năm tới.

Theo ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016-2017.

———————————–

Tiêu Kinh tế Trung Quốc suy yếu toàn diện

Theo báo cáo China Beige Book quý IV/2015 của CBB International, tổ chức nghiên cứu trụ sở tại New York, các chỉ số như doanh số bán lẻ, sản lượng, giá cả, lợi nhuận, việc làm, tiền vay và chi phí vốn của Trung Quốc đều suy yếu so với quý III/2015. Hơn 2,100 doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đã tham gia khảo sát, đồng thời CBB International cũng phỏng vấn hàng loạt các lãnh đạo và nhà quản lý ngân hàng và doanh nghiệp.

———————————-

 

Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK

Nguyễn Văn Nguyên – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.

Điện thoại / Zalo /

Email: nguyen.nguyenvan@hsc.com.vn

Website: dautucophieu.net