DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 25/11/2016

Lượt xem: 3,247 - Ngày:
Chia sẻ

1.Nhận định thị trường:

Sau ba phiên tăng điểm, VN-Index đã quay đầu giảm điểm khá mạnh (giảm 4,98 điểm tương đương 0,73%), đóng cửa tại 678,18. Thanh khoản tăng nhẹ lên mức 117,5 triệu cổ phiếu.

Đồ thị VN-Index ngày 24/11/2016. Nguồn: AmiBroker Đồ thị VN-Index ngày 24/11/2016. Nguồn: AmiBroker

Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, Nhật Cường cho rằng chỉ số VN-Index phiên giao dịch hôm nay đã bị “nhiễu” khá nhiều bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang là TĂNG và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Nhật Cường đánh giá khả năng VN-Index sẽ tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch ngày mai – 25/11/2016 để hướng tới mốc 690 điểm trong các phiên giao dịch kế tiếp. Do đó, NĐT có thể tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Đồng thời, NĐT có thể cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền.

Nhà đầu tư muốn biết điểm mua, điểm bán Top 50 cổ phiếu mạnh nhất thị trường, vui lòng add Facebook của Cường để được tư vấn chi tiết. 

2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 24/11/2016:

Thị trường giảm điểm trở lại sau ba phiên tăng liên tiếp trước đó. Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên, đặc biệt tại hai mã vốn hóa lớn là VNM và ROS đã khiến chỉ số VN-Index có giao dịch không thuận lợi.

  • Các mã ngân hàng nhìn chung giảm dẫn đầu là VCB; BID và CTG. Tiếp đó, ACB & EIB tăng trong khi MMB đóng cửa tại tham chiếu trong khi STB giảm.
  • Các mã tài chính phi ngân hàng biến động trái chiều với BVH & PVI đều đóng cửa tại tham chiếu. Cổ phiếu chứng khoán SSI; HCM và VND đều giảm.

Tin cổ phiếu – VCSC sẽ tăng vốn 20% thông qua phát hành riêng lẻ – Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt có kế hoạch phát hành 17,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10:2) cho cổ đông hiện hữu để tăng 20% vốn điều lệ lên 1,03 nghìn tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là trong Q4/2016 hoặc Q1/2017 và nguồn tài trợ phát hành là từ lợi nhuận giữ lại. Theo đó, VCSC chuẩn bị điều chỉnh điều lệ công ty bổ sung thêm ba ngành nghề đăng ký kinh doanh (môi giới, tự doanh và tư vấn) liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2017.

  • Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng biến động trái chiều và tăng với VNM giảm dù MSN & KDC đều tăng. FPT; MWG và PNJ đều tăng. BHN giảm.

Tin cổ phiếu – Truyền thông đưa tin KDC đã hoàn thành mua 65% cổ phần của TAC – Một số phương tiện truyền thông hôm nay đưa tin Tập đoàn Kido (KDC; Khả quan) hiện đã hoàn tất mua vào 65% cổ phần tại CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC). Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được các cơ quan chức năng xác nhận.

Giá mua là 82.000đ/cp, tương đương P/E 2016 là 19,6 lần. Ước tính KDC đã chi 1.012 tỷ đồng để mua lại 12.337.130 cổ phiếu TAC. Do đó, nhiều khả năng KQKD của TAC sẽ được hợp nhất vào KDC kể từ tháng 12.

Dự báo doanh thu năm 2016 của KDC là 2.011 tỷ đồng, giảm 35,6% so với năm 2015, LNST của cổ đông công ty mẹ là 1.222 tỷ đồng, giảm 76,8% và lợi nhuận hoạt động thuần (không bao gồm khoản lợi nhuận bất thường từ bán mảng bánh kẹo BKD) là 205 tỷ đồng, tăng trưởng 12,8%. Cho năm 2017, giả định KQKD của cả TAC và Vocarimex đều sẽ được hợp nhất vào KDC, do đó doanh thu thuần năm 2017 dự báo sẽ là 7.801 tỷ đồng, tăng trưởng 285,9% và lợi nhuận hoạt động thuần là 358 tỷ đồng, tăng trưởng 74,8%.

Cổ phiếu KDC hiện giao dịch với P/E mảng kinh doanh chính dự phóng 2016 là 35,5 lần và EV/EBITDA 19,8 lần và P/E dự phóng 2017 là 20,3 lần và EV/EBITDA là 9,7 lần. Lặp lại đánh giá KHẢ QUAN.

Tin cổ phiếu – Vẫn chờ đợi thông tin cuối cùng từ SCIC về việc thoái vốn tại VNM – Thị trường vẫn chờ đợi những thông tin quan trọng về kế hoạch thoái 9% cổ phần của SCIC tại Vinamilk (VNM; Khả quan) chẳng hạn thông tin về giá tham chiếu đề xuất. Trong khi đó, khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh cổ phiếu VNM.

  • Cổ phiếu dầu khí biến động trái chiều với GAS giảm và PVS & PXS đều đóng cửa tại tham chiếu. PVD tăng.
  • Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều và tăng với HPG & HSG tăng dù NKG giảm. BMP; DQC & RAL tăng trong khi TCM và TMT tăng trần. STK đóng cửa tại tham chiếu trong khi CSM; DRC; EVE; HHS & PAC giảm.
  • Cổ phiếu BĐS và xây dựng cũng biến động trái chiều với VIC giảm cùng với CTD & DIG trong khi đó BCI; HBC; SJS và NLG đều đóng cửa tại tham chiếu. CII; CTI; DXG; KBC tăng. PC1 giảm. sàn.

Kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm của VIC đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ. Triển vọng khả quan cho năm sau. Lặp lại đánh giá Khả quan.

Số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tất cả các phân khúc, đặc biệt với một loạt các dự án bất động sản lớn sắp được ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 50% mặc dù biên lợi nhuận gộp giảm do cơ cấu doanh thu kém hiệu quả hơn và biên lợi nhuận gộp giảm ở vài mảng kinh doanh đặc biệt là Khách sạn & Dịch vụ giải trí do số lượng phòng tăng mạnh ở các khu resort mới. Mảng bán lẻ đang phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên hoạt động của các nhóm ngành trong mảng bán lẻ không đồng đều. Tốc độ bán hàng vẫn ở mức cao nhưng đã có dấu hiệu chững lại của thị trường. Doanh thu bất động sản sắp ghi nhận vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho đến hết năm 2018.

Giữ nguyên dự phóng tăng trưởng 186% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước và 63% tăng tưởng cho năm sau dựa vào kỳ vọng từ các dự án bất động sản lớn sẽ hoàn thiện và bàn giao trong năm 2017. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng mảng Bán lẻ sẽ tăng trưởng chậm lại để cải thiện chất lượng cũng như biên lợi nhuận gộp ở các cửa hàng đã mở.

Lặp lại đánh giá KHẢ QUAN. Cổ phiếu VIC đang được giao dịch thấp hơn 18% so với định giá RNAV là 50.425 đồng/cp sau khi hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu. Động lực tăng trưởng đến từ triển vọng ghi nhận doanh thu ở các dự án bất động sản lớn, bắt đầu từ Q4/2016 và dự kiến đạt đỉnh vào Q3,Q4/2017. VIC đang là doanh nghiệp bất động sản uy tín hàng đầu nhờ việc triển khai tốt, đúng tiến độ dự án lớn cũng như khả năng mở rộng quỹ đất ở các vị trí đắc địa. Vấn đề với TTF hiện vẫn chưa đáng lo ngại. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật sát sao hoạt động của mảng bán lẻ. Định giá hợp lý theo RNAV của VIC tại thời điểm hiện tại là 50.425 đồng/cp.

Vingroup (VIC – Khả quan) công bố KQKD hợp nhất 9 tháng đầu năm rất khả quan – VIC là doanh nghiệp niêm yết dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển bất động sản vừa tổ chức buổi họp với các nhà phân tích, qua đó công bố KQKD hợp nhất 9 tháng đầu năm rất khả quan với doanh thu thuần đạt 34,66 nghìn tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ) trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 210% đạt 3,1 nghìn tỷ đồng. Kết quả này qua đó hoàn thành 77% và 103% mục tiêu doanh thu và LNST cho 2016. VIC trước đó đã đặt mục tiêu cho 2016 với doanh thu đạt 45 nghìn tỷ đồng và LNST đạt 3 nghìn tỷ đồng. Như vậy công ty đã hoàn thành tương ứng 78% và 72% dự báo của HSC.

Doanh thu tăng mạnh nhờ ghi nhận doanh thu lớn từ BĐS – Với các dự án BĐS lớn sẽ được ghi nhận từ 2016, doanh thu BĐS đạt 19,5 nghìn tỷ đồng (tăng 77%). ước tính doanh thu 9 tháng đầu năm đến từ Vinhomes 54A Nguyen Chi Thanh (1,7 nghìn tỷ), Vinhomes Central Park (9,9 nghìn tỷ), biệt thự biển (4,2 nghìn tỷ), nhà phố ở các dự án (1,8 nghìn tỷ) và các dự án khác (1,9 nghìn tỷ).

Các hợp đồng mới tuy nhiên sẽ tăng chậm hơn – Do nguồn cung tương đối lớn trên thị trường. Các số liệu chính cho thấy mức độ tăng trưởng của mảng BĐS là số lượng căn hộ bán và giá trị hợp đồng đã ký. Số lượng hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm là đến 45 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) với riêng Q3 là gần 10 nghìn tỷ đồng (giảm 2%). Như vậy tính đến cuối tháng 9, lũy kế giá trị các hợp đồng đã lên đến 150 nghìn tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ) và qua đó đánh dấu mức tăng khoảng 12% so với thời điểm kết thúc Q2/2016.

Và mặc dù năm 2016 đã có dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc BĐS thì VIC vẫn bán được khoảng 10.600 đơn vị (tăng 9,4% so với cùng kỳ) và 390 biệt thự biển (giảm 41%) sau 9 tháng. Lưu ý rằng 2015 là năm bán hàng tốt nhất từ trước tới giờ của VIC khi đạt 13.000 đơn vị (tăng hơn 10 lần cùng kỳ năm trước đó) và 900 biệt thự biển (biệt thự biển chỉ mới được mở bán từ đầu năm 2015). Số lượng căn hộ đã bán cũng như giá trị hợp đồng từ các căn hộ này sẽ đảm bảo nguồn doanh thu lớn ghi nhận cho năm 2017 và 2018.

Mảng cho thuê TTTM vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng – Doanh thu từ cho thuê mặt bằng TTTM tăng trưởng 41% so với cùng kỳ và đạt 2,5 nghìn tỷ đồng. Diện tích sàn cho thuê đã tăng 1,34 lần lên gần 1.000.000 m2 so với cùng kỳ năm ngoái, với chỉ 744.570 m2. Tổng số trung tâm mua sắm đang hoạt động là 27 (so với 12 trung tâm vào cuối Q3/2015). VIC dự kiến sẽ mở mới ít nhất 15 TTTM cho đến cuối năm 2018. Từ năm 2017 trở đi, VIC sẽ tập trung hơn vào việc mở các TTTM nhỏ hơn ở các đô thị loại 2 và 3.

VIC đang muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường nông thôn bằng cách xây dựng các TTTM quy mô nhỏ mà ở đó khách thuê chính sẽ là các thương hiệu trong hệ thống của VIC và một số khách thuê lâu năm. VIC sẽ giới thiệu 1 mô hình TTTM nhỏ mang tên Vincom plus (Vincom+) với diện tích khoảng 4.000m2. Như vậy, hệ thống TTTM của VIC sẽ có 4 loại mô hình với các kích thước khác nhau là Vincom Centers (40.000 m2), Vincom Mega Malls (100.000 m2), Vincom Plazas (20.000m2) và Vincom Plus (4.000 m2).

Ước tính tỷ lệ lấp đầy bình quân của các TTTM Vincom centers là trên 94% trong khi tỷ lệ lấp đầy của Vincom Megamalls và Vincom plazas lần lượt đạt khoảng 74% và 90%; trong đó 30% là các thương hiệu nội bộ như Vinmart, Vinpro, VinDS… TTTM tại các tỉnh khó tìm khách thuê lâu dài hơn do đó cũng có sự khác biệt lớn về giá cho thuê.  Hiện giá cho thuê dao động từ 50-65USD/m2 với Vincom center và 12-25USD/m2 với Vincom plaza.

Doanh thu mảng khách sạn & dịch vụ giải trí tăng 57% so với cùng kỳ nhờ số lượng phòng tăng mạnh – Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu mảng khách sạn & dịch vụ giải trí đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ); nhờ đóng góp từ 4 khu nghỉ dưỡng mới là Vinpearl Phú Quốc Resort & Villas, Vinpearl Nha Trang Bay Resort & Villas, Vinpearl Golf land resort và Vinpearl Hạ Long Bay Resort với số lượng phòng tương ứng là 610, 500, 420 và 380 phòng mới. VIC hiện đã sở hữu 8 khu nghỉ dưỡng với tổng số lên đến 5.000 phòng (tăng 41%).

Ước tính tỷ lệ lấp đầy bình quân là gần 55%; tùy thuộc từng dự án và từng thời điểm trong năm. Chẳng hạn, tỷ lệ lấp đầy thường rất cao vào các kỳ nghỉ (như khi các trường học nghỉ hè, kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết). Chúng tôi ước tính REVPAR (doanh thu trên mỗi phòng cho thuê) giảm xuống còn khoảng 1.460 triệu đồng/phòng/năm; giảm 11% so với cùng kỳ do rất nhiều các chương trình khuyến mãi được đưa ra để tăng tỷ lệ lấp đầy. Do các khu nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt động có chi phí cố định ban đầu cao sau khi được đưa vào hoạt động nên chúng tôi cho rằng trước mắt công ty sẽ dừng xây mới các khu nghỉ dưỡng và tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm giành được niềm tin của khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mảng này.

VIC đang vận hành một mô hình bài bản nhất về phát triển BĐS nghỉ dưỡng và cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong nước sở hữu thương hiệu riêng mang tên Vinpearl. VIC thu hút khách du lịch bằng cách phát triển các khu vực phụ trợ như công viên giải trí hiện đại và vườn thú với hơn 150 loài hoang dã ngay trong các khu resort. VIC hiện có 2 khu vui chơi giải trí Vinpearl land và 1 vườn thú Safari tại Nha Trang và Phú Quốc bên cạnh các khu vui chơi quy mô nhỏ hơn như sân băng, thủy cung,… ngay trong các TTTM Vincom center và Megamall.

Doanh thu từ Dịch vụ y tế, bệnh viện tăng đáng kể, tăng 49% so với cùng kỳ và đạt 779 tỷ đồng – VIC tiếp tục mở rộng mạng lưới thông qua hợp tác với những doanh nghiệp bảo hiểm; theo đó giúp mở rộng đáng kể số lượng khách hàng. Công ty cũng mở thêm các chuyên khoa thông qua hợp tác với các cơ sở y tế trên cả nước. Trong 9 tháng đầu năm nay, VIC đã đưa Vinmec Nha Trang đi vào hoạt động Theo đó nâng tổng số lên 4 bệnh viện và 2 phòng khám tiêu chuẩn quốc tế. Công ty sẽ dự kiến tiếp tục mở mới 10 bệnh viện trên cả nước và một trường Đại học Y cho đến 2020.

Tổng số giường bệnh đã tăng lên 1.024 (tăng 77%). Chúng tôi ước tính sẽ có thêm 400 giường bệnh (tăng 33%) khi các bệnh viện hiện đang được xây dựng tại Cần Thơ và Đà Nẵng hoàn thành vào 2017. Chiến lược của VIC là đưa ra các gói chăm sóc sức khỏe cho cư dân nhằm thu hút người mua nhà ở các dự án Vinhomes.

Với kế hoạch xây dựng chuỗi bệnh viện tư nhân hàng đầu tại Việt Nam cung cấp các dịch chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp và toàn diện, VIC gần đây đã quyết định chuyển đổi VinMec sang mô hình phi lợi nhuận, theo đó sẽ tái đầu tư 100% lợi nhuận. Trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mảng này chỉ đóng góp 2% tổng doanh thu, do đó chúng tôi cho rằng tỷ lệ ROE chung sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Nói cách khác, với cam kết tái đầu tư 100% lợi nhuận để nâng cấp và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân sự, cải thiện cơ sở vật chất và thiết bị, hệ thống bệnh viện của VIC sẽ mở rộng nhanh chóng và trở thành một điểm cộng thu hút người mua nhà tiềm năng.

Doanh thu mảng giáo dục cũng tăng đáng kể, tăng 43% so với cùng kỳ – Tương tự như mảng Dịch vụ y tế, bệnh viện, doanh thu mảng giáo dục tăng 43% so với cùng kỳ lên 516 tỷ đồng. VIC hiện có 1 trường THCS, 1 trường THPT và 1 trường mẫu giáo tại VinhomesTimes City; 4 trường mẫu giáo tại Vinhomes Riverside, 54A Nguyễn Chí Thanh, Royal City và Times City. Số lượng học sinh là khoảng 13.000 (một năm trước là 6.300). Học phí mỗi học sinh là xấp xỉ 56 triệu đồng/năm đối với bậc mẫu giáo; 33 triệu đồng/năm đối với bậc THCS và 36 triệu đồng/năm đối với bậc THPT; không kể các phụ phí như thức ăn đồ uống, đưa đón, đồng phục, sách vở…

Hệ thống Vinschool hiện có các bậc giáo dục từ mẫu giáo đến THPT với định hướng theo quốc tế thông qua các chương trình giao lưu học tập ở nước ngoài. Doanh thu mảng giáo dục tăng trưởng phản ánh nhu cầu về điều kiện giáo dục tốt cho con em của tầng lớp trung lưu vốn đang gia tăng nhanh chóng.

Tương tự như mảng Dịch vụ y tế, bệnh viện, Vinschool cũng sẽ chuyến sang mô hình phi lợi nhuận. Đến cuối tháng 9/2016, mảng này đóng góp 1% tổng doanh thu. Và cùng với mảng y tế, giáo dục sẽ tiếp tục là dịch vụ giá trị gia tăng cho dân cư của Vinhome nói riêng và cộng đồng nói chung.

Doanh thu mảng bán lẻ tăng mạnh nhờ có sự mở rộng mạnh mẽ – Doanh thu bán lẻ 9 tháng đầu năm tăng mạnh 167% so với cùng kỳ lên 6,8 nghìn tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2016, trên toàn quốc chúng tôi ước tính tổng số lượng cửa hàng Vinmart là 50 (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ) với số lượng cửa hàng Vinmart+ là 800 (tăng 8 lần). Chuỗi siêu thị hiện đã bao phủ 20 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước. Sau khi mở rộng nhanh chóng và trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ dẫn đầu xét về quy mô, VIC chủ động giảm nhẹ tốc độ mở rộng để tập trung hơn vào cải thiện chất lượng dịch vụ. Công ty dự kiến mở 60 cửa hàng Vinmart và 820 cửa hàng Vinmart+ đến cuối 2016 thay vì kế hoạch trước đó là 1.000 cửa hàng. Bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ, VIC dần hoàn thiện hệ thống bán lẻ của mình để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Emart (Hàn Quốc), BigC và Metro (được NĐT Thái Lan mua lại) và những doanh nghiệp lớn trong nước như MWG với chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh.

VIC hiện đang hợp tác với 250 nhà phân phối trong nước theo chương trình hợp tác nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trong nước từ đó cải thiện chất lượng chuỗi cung cấp bằng cách tối ưu hóa sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí và tăng nhận diện thương hiệu. Đây là  một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới độc quyền các nhà cung cấp trong nước theo đó đảm bảo nguồn cung liên tục cho đế chế bán lẻ đang phát triển nhanh chóng của VIC.

Doanh thu bán lẻ tăng nhờ website mua hàng trực tuyến Adayroi đã chính thức đi vào hoạt động và hứa hẹn sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ so với các đối thủ. Thêm vào đó, các sản phẩm nông nghiệp VinEco tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP hiện được phân phối thông qua 3 kênh: kênh truyền thống là các cửa hàng Vinmart & Vinmart+ và kênh trực tuyến. Công ty cũng đang tiếp tục mở rộng quỹ đất dành cho nông nghiệp. Công ty hiện vận hành 13 nông trại với tổng diện tích 1.922ha và phân phối gần 20 tấn rau củ tươi mỗi ngày so với công suất 15 tấn/ngày trong năm ngoái. Với rủi ro vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu đối với thực phẩm sạch là rất lớn.

Nhìn chung, mảng bán lẻ đang hoạt động rất tốt, tuy vậy, từng ngành trong đó đang đạt kết quả đạt tương đối khác nhau như đã được đề cập ở các phân tích trước đây. Ở mặt tích cực, hệ thống siêu thị cho kết quả khá tốt và cho thấy tiềm năng khả quan. Logistic và nguồn nguyên liệu (nguồn cung thực phẩm chất lượng,…) vẫn là thách thức lớn nhất để duy trì tăng trưởng ổn định của các hệ thống bán lẻ, VIC đã chủ động tập trung giải quyết các vấn đề này một cách bài bản và hợp lý. VIC đang sở hữu công ty riêng cung cấp dịch vụ logistic, nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các sản phẩm VinEco đến các siêu thị Vinmart. Gần đây, VIC và một tập đoàn vận chuyển của Nhật Bản, là Sagawa Holdings đã ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực logistic. Sagawa Holdings sở hữu mạng lưới hoạt động rộng khắp ở 220 quốc gia và lãnh thổ trong đó có Việt Nam sẽ giúp phát triển và củng cố mạng lưới logistics trên cả nước của VIC.

Tuy nhiên, hệ thống điện máy Vinpro dường như vẫn gặp khó khăn trong hoạt động. Hệ thống bán lẻ điện máy là một trong những phân khúc khó khăn nhất với nhiều doanh nghiệp đã thất bại trước đó. Thông thường, các doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn thử nghiệm các địa điểm hoặc các mô hình khác nhau trước khi mở rộng. Trong khi VIC trước đó không có nhiều kinh nghiệm phát triển mô hình bán lẻ phức tạp như vậy, và rủi ro là khá cao khi chưa xác định rõ ràng được mô hình để phát triển. VIC đã xây dựng hai mô hình; Vinpro (khoảng 3.000m2/cửa hàng) chủ yếu bán các sản phẩm điện tử và Vinpro+ (khoảng 200-500m2/cửa hàng) bán các sản phẩm công nghệ. Chúng tôi cho rằng chuỗi điện máy vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, hiện tại Vinpro+ đã được tích hợp vào các cửa hàng Vinpro tại các TTTM Vincom center và chúng tôi cho rằng sự thay đổi về mô hình kinh doanh này là động thái cần thiết nhằm làm tinh gọn hoạt động của Vinpro. Trước khi hợp nhất hai mô hình cửa hàng này, chúng tôi ước tính có 10 cửa  hàng Vinpro và 100 cửa hàng Vinpro+ trên cả nước.

Lợi nhuận gộp đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp giảm – Tỷ suất lợi nhuận gộp chung giảm xuống 31% từ mức 36% năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm có thể do (1) cơ cấu các mảng kinh doanh kém hiệu quả và (2) tỷ suất lợi nhuận của một số phân khúc giảm. Các mảng kinh doanh thường mang lại biên lợi nhuận cao như BĐS, cho thuê TTTM, khách sạn và dịch vụ giải trí đã ghi nhân mức giảm do các nguyên nhân khác nhau:

1)   Tỷ suất mảng BĐS giảm – Mặc dù lợi nhuận gộp tăng 29% so với cùng kỳ và đạt 8,1 nghìn tỷ đồng; thì tỷ suất lợi nhuận gộp lại giảm nhẹ xuống 41% từ 43% năm ngoái do tỷ suất lợi nhuận phân khúc căn hộ cao cấp giảm trong 9 tháng đầu năm nhiều khả năng là do nguồn cung tăng. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng này sẽ tăng trở lại mức 43% vào cuối 2016 do có nhiều biệt thự biển và các sản phẩm thấp tầng với tỷ suất lợi nhuận cao được ghi nhận trong Q4/2016.

2)   Tỷ suất lợi nhuận gộp mảng cho thuê TTTM giảm do các TTTM mới tại các tỉnh có tỷ suất lợi nhuận thấp đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp chung của mảng này – Lợi nhuận gộp đạt 1,23 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ). Tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 56% xuống 51%; và điều này là do các TTTM mới mở tại các tỉnh có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Ngoài ra, những TTTM mới đi vào hoạt động này cũng thường có tỷ lệ lấp đầy & giá cho thuê chưa đạt mức tối ưu cộng với chi phí ban đầu cao.

3)   Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng khách sạn & dịch vụ giải trí giảm do khuyến mãi và chiết khấu cao đồng thời tỷ lệ lấp đầy thấp hơn mức tối ưu của các biệt thự biển – Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp của mảng này giảm 75% so với cùng kỳ xuống 140 tỷ đồng. Chủ yếu do mức lỗ 169 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm mặc dù KQKD của Q3 đã được cải thiện nhiều. Cho riêng Q3, mảng này đạt lợi nhuận gộp 182 tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ) và tỷ suất lợi nhuận gộp là 12,5% so với 36% năm ngoái. Do một số resort mới đi vào hoạt động và chi phí cố định ban đầu lớn, VIC đã phải áp dụng khuyến mại và chiết khấu nhiều hơn để thu hút khách du lịch.

4)   Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ ổn định. Tốc độ mở rộng các cửa hàng mới sẽ chậm lại để tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ – Lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm đạt 585 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 9% so giảm nhẹ so với mức 10% trong năm ngoái. VIC rõ ràng đã có những nỗ lực đáng kể để duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp khi số lượng cửa hàng mới tăng mạnh trong giai đoạn này.

Giữ nguyên dự báo KQKD năm 2016 cho VIC với LNST tăng trưởng 186% –giữ nguyên dự báo doanh thu là 44,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 30%) và LNST là 4,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 186%). Giả định của chúng tôi như sau.

VIC đã linh hoạt hơn trong việc tận dụng cơ hội phát triển dự án, chẳng hạn trong nửa đầu năm, VIC đã bán phần căn hộ chung cư của dự án Vinhomes Star City cho Tân Hoàng Minh – một doanh nghiệp BĐS trong nước nhưng vẫn chịu trách nhiệm bán và quản lý dịch vụ sau khi hoàn thành dự án. Khoản lãi không thường xuyên từ bán dự án trên được ghi nhận vào KQKD 6 tháng đầu năm. Theo đó, VIC không những nhận được một khoản tiền lớn từ bán dự án, mà còn tiếp tục thu được phí từ dịch vụ hỗ trợ bán hàng và dịch vụ quản lý. Đồng thời VIC còn giảm được rủi ro từ việc triển khai một dự án lớn.

Vị thế đầu ngành BĐS của VIC thể hiện qua tốc độ bán dự án mới cho dù một số phân khúc của thị trường BĐS nhiều khả năng sẽ thừa cung. Sau 9 tháng 2016, dự án BĐS cao cấp Vinhomes Golden River đã bán được 65% trong tổng số 2.500 căn mở bán, Vinhomes Central Park bán được 9.800 căn trong tổng số 10.500 căn của toàn bộ dự án. Mô hình condotel kết hợp giữa căn hộ và khách sạn tại Nha Trang và Đà Nẵng mở bán gần 3.000 căn từ đầu năm 2016 và đã bán được 79% sau 9 tháng. Như vậy những hợp đồng này sẽ đảm bảo nguồn doanh thu cho các năm tiếp theo.

Quỹ đất là mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp BĐS và VIC hiện đang liên tục mở rộng quỹ đất. Tổng quỹ đất hiện ước tính là 84,7 triệu m2 (tại thời điểm cuối 2015 là 34,8 triệu m2). Chiến lược mở rộng quỹ đất là tìm những khu đất có vị trí đắc địa tại các thành phố lớn hoặc mua những khu đất bên cạnh các dự án phức hợp mà Công ty đã triển khai nhằm mở rộng quy mô cũng như tạo giá trị cho toàn bộ dự án. VIC có thể tiếp cận và tăng thêm quỹ đất bằng việc mua cổ phần của các DNNN có quỹ đất lớn hoặc xây dựng án BT (Xây dựng –  Chuyển giao) để đổi lấy đất. Các dự án BT thường là dự án cơ sở hạ tầng quanh khu đất mà VIC được giao. Ngoài ra, các dự án khu nghỉ dưỡng được phân bố đều ở nhiều điểm du lịch/bãi biển dọc theo bờ biển của Việt Nam.

VIC đã ghi nhận giảm lợi thế thương mại từ thương vụ TTF trên BCTC hợp nhất Q3 – TTF là nhà sản xuất gỗ và nội thất nội địa. Trong năm 2015, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát (TLP) đã mua 49,9% cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của TTF với hi vọng củng cố nguồn cung về sản phẩm nội thất cho các trung tâm bán lẻ cũng như các dự án BĐS của VIC như Vinhomes, Vincom, Vinpearl…Tuy nhiên vào đầu tháng 7 TLP đã thông báo phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về hàng tồn kho và khoản phải thu trong báo cáo tài chính của TTF, dẫn đến hậu quả thua lỗ 1 nghìn tỷ đồng của công ty này tại thời điểm kết thúc bán niên 2016.

Ngoài việc sở hữu 49,9% cổ phần tại TTF, TLP còn sở hữu 2 khoản vay chuyển đổi trị giá 1,2 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ đáo hạn vào tháng 9/2016 và tháng 1/2017. Giá chuyển đổi của 2 khoản vay này tương ứng ở mức 14.200đ/cp và 22.000đ/cp. Cụ thể là, 603,5 tỷ đồng sẽ được chuyển thành 42,5 triệu cổ phiếu với mức giá 14.200 đồng/cp và 598,4 tỷ đồng sẽ được chuyển đổi thành 27,2 triệu cổ phiếu với mức giá 22.000 đồng/cp.

TLP đã tạm ngừng khoản vay chuyển đổi này và nhiều khả năng sẽ tiến hành đàm phán lại một số điều khoản của 2 khoản vay do những sai sót trên. Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh đã đưa TTF vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 9/8/2016. Do đó, TTF chỉ được phép giao dịch vào các phiên chiều qua giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Sau 9 tháng, LNST của TTF là âm 1.605 tỷ đồng; vượt vốn điều lệ của công ty là 1.446 tỷ đồng. Thị giá TTF đã giảm xuống mức là 4.670đ.  Các thông tin chính thức hiện vẫn còn hạn chế, tuy nhiên trên BCTC Q3, khoản lỗ 1 nghìn tỷ đồng đã được ghi nhận giảm lợi thế thương mại. Chúng tôi sẽ theo dõi sát vấn đề này khi VIC đưa ra các công bố chính thức. Hiện dự báo của chúng tôi chưa tính đến những ảnh hưởng từ sự kiện này.

Triển vọng tích cực từ sau năm 2017 – Triển vọng dài hạn tích cực với vị thế là doanh nghiệp BĐS đầu ngành và sở hữu quỹ đất lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng nhanh chóng ở tất cả các lĩnh vực đặc biệt là bán lẻ có thể đem đến thành công nhưng cũng có thể dẫn đến thất bại. Quá trình này sẽ chậm lại để công ty tập trung củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cho đến nay chuỗi siêu thị đang hoạt động tốt nhờ việc tạo ra một chuỗi giá trị khá hiệu quả . Trong đó nông sản của VinEco được phân phối thông qua Vinmart, Vinmart+ và website bán hàng trực tuyến.

Trái lại, VIC có vẻ đang giảm bớt tham vọng ở chuỗi điện máy bằng việc thay đổi chiến lược kinh doanh với việc tích hợp toàn bộ các điểm bán hàng của Vinpro+  thành cửa hàng Vinpro tại các TTTM Vincom.

Dựa trên thông tin dự án có được cho đến nay, ước tính RNAV là 50.425đ/cp sau khi công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32,5% trong 9 tháng đầu năm; như vậy giá cổ phiếu còn thấp hơn 18% so với RNAV.

Dự báo LNST tăng trưởng 63% trong năm 2017 – Dự báo doanh thu thuần đạt 66,59 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 51,2%) và LNST đạt 7,03 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 64%).

Tổng nợ là 131,3 nghìn tỷ đồng (tăng 39%) tại thời điểm cuối tháng 9 – Đến cuối Q3/2016, tổng nợ ngắn hạn là 4,48 nghìn tỷ đồng (tăng 40%); trong đó một nửa là nợ dài hạn và trái phiếu đến hạn trả trong khi còn lại là nợ vay ngân hàng ngắn hạn.

Về nợ dài hạn, VIC chuyển từ vay ngân hàng sang phát hành trái phiếu do lãi suất cả trong nước và quốc tế đều đang có lợi cho công ty. Vay và nợ dài hạn từ ngân hàng giảm 27,4% xuống còn 8,3 nghìn tỷ đồng trong khi trái phiếu dài hạn tăng lên 25 nghìn tỷ đồng (tăng 35%). Trong 9 tháng đầu năm, VIC đã ký thỏa thuận vay hợp vốn quốc tế 300 triệu USD nhằm huy động vốn tài trợ phát triển các dự án. Khoản vay này sẽ được trả dần trong 5 năm với lãi suất là lãi suất Libor +5% mỗi năm. Credit Suisse AG là đầu mối và điều phối chính của khoản vay này. Khoản vay mới này cũng có những điều khoản tốt hơn so với khoản vay hợp vốn quốc tế đầu tiên của công ty vào năm 2013 có giá trị 200 triệu USD với kỳ hạn vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của VIC là 3,1 lần (bình quân các doanh nghiệp cùng ngành trong nước là 2,5 lần). Chúng tôi cho rằng tỷ lệ này vẫn chấp nhận được với một doanh nghiệp lớn như VIC, đặc biệt khi công ty đang tích cực nâng cao vị thế ở mảng BĐS và các mảng có liên quan. Mặc dù có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao, thì các khoản người mua trả tiền trước chiếm 29% tổng nợ. Để có thể thấy chính xác tình hình vay nợ của VIC, xem xét tỷ lệ vay nợ ngắn và dài hạn/tổng tài sản do ty lệ này thể hiện mức độ vay nợ thực tế sau khi trừ đi các khoản người mua trả tiền trước và nghĩa vụ đối với Nhà nước… Tỷ lệ này vẫn được duy trì ổn định ở mức 25,8% trong những quý gần đây. Đến cuối năm 2016, chúng tôi ước tính chi phí lãi vay là 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 12%); theo đó tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay có thể dùng để trả lãi vay là 2,23 lần (năm ngoái là 2 lần).

VIC đã nỗ lực duy trì tỷ lệ nợ ở mức hợp lý với các khoản vay kỳ hạn dài hơn. Cho dù vậy, với một loạt các dự án ở các mảng khác nhau, VIC sẽ cần tiếp tục huy động vốn trong nước và quốc tế.

Kết luận đầu tư – Tiếp tục duy trì đánh giá Khả quan. Giá cổ phiếu VIC đã tăng 22,4% so với đầu năm và hiện cao hơn 40% so với đáy 12 tháng. VIC đang vận hành một mô hình hoạt động bài bản nhất ở mảng phát triển BĐS và sẽ vẫn đứng đầu ở hầu hết các phân khúc thị trường BĐS. VIC có kinh nghiệm trong phát triển dự án và có khả năng tìm được quỹ đất có vị trí trung tâm tại 2 thành phố lớn; đồng thời có khả năng thực hiện các dự án lớn đúng tiến độ với chất lượng đảm bảo. Hiện room vẫn còn nhiều, là 302 triệu đơn vị, bằng 14% số lượng cổ phiếu lưu hành.

Triển vọng khả quan giúp cổ phiếu VIC trở nên hấp dẫn, đặc biệt khi công ty bắt đầu ghi nhận các dự án BĐS lớn. VIC xứng đáng được định giá cao hơn nhờ vị thế đầu ngành BĐS và bán lẻ với danh mục tài sản lớn ở tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên vẫn có lo ngại nhất định về TTF trong khi một vài lĩnh vực kinh doanh trong mảng bán lẻ vẫn đang gặp khó khăn. Nợ của VIC vẫn trong phạm vi chấp nhận được với những thông tin được trình bày trong phạm vi BCTC.

Tin cổ phiếu – CII phát hành 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn đầu tư cho các dự án. CII (Khả quan) hôm nay đã thông báo ký hợp đồng phát hành 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm với lãi suất coupon 1%/năm và giá chuyển đổi là 38.500đ/cp (tương đương bằng 130% giá đóng cửa ngày hôm qua) cho người mua trái phiếu chuyển đổi đầu tiên là Keb Hana Bank Trustee và Custodian Business (ngân hàng đại diện của Rhinos Asset Management). Công ty dự kiến phát hành tiếp 20 triệu USD trái phiếu chuyển đổi còn lại cho người mua thứ 2 sau 6 tháng (theo quy định hiện hành của UBCKNN).

Quyền chọn mua lại 50% số trái phiếu chuyển đổi đã phát hành – Sau 3 năm, CII được quyền yêu cầu mua lại tối đa 50% tổng số trái phiếu chuyển đổi đã phát hành với lãi suất 4,5%/năm hoặc nếu không trái chủ sẽ phải chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu với giá chuyển đổi là 38.500đ/cp. Trong khi đó từ năm thứ 3 cho đến 9 tháng trước ngày đáo hạn, trái chủ có quyền yêu cầu CII mua lại một phần hoặc toàn bộ số trái phiếu đã phát hành với lãi suất 3%/năm. Trái chủ có thể gia hạn thời gian chuyển đổi từ 1-5 năm và trong trường hợp này giá chuyển đổi sẽ tăng 10% cho mỗi năm gia hạn thêm.

CII dự kiến sử dụng tiền thu được từ phát hành để đầu tư dự án BT Thủ Thiêm – CII sẽ sử dụng khoảng 1.350 tỷ đồng thu về từ phát hành trái phiếu chuyển đổi để đầu tư cho dự án BT Thủ Thiêm. Một khả năng nữa là CII cũng có thể dùng số cổ phiếu quỹ hiện có để phục vụ cho việc chuyển đổi trái phiếu thay vì phát hành cổ phiếu mới và điều này sẽ tạo ra 493 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông trong tương lai.

  • Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều và tăng với HAG; HNG; DPM; VHC và SBT tăng trong khi PAN và VFG đứng giá. BFC; BHS và GTN giảm.
  • Cổ phiếu ngành dược phẩm tăng dẫn đầu là DHG; DMC; IMP và TRA.
  • Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, logistic và vận tải biến động trái chiều với VSH & PPC tăng trong khi NT2 giảm. NCT tăng trong khi GMD đóng cửa tại tham chiếu. VSC & ACV đều giảm. VNS cũng giảm. (Nguồn: HSC)

Nước ngoài bán ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng. Những quan ngại về tỷ giá đã được khối ngoại thể hiện gần đây khá nhiều. Mức bán ròng ngày hôm nay trên HSX là rất lớn, gần 223 tỷ đồng nhưng trong đó lượng bán ròng tại VNM khá áp đảo, gần 195 tỷ đồng. VNM đã liên tục bị bán ròng kể từ sau ngày roadshow đến hôm nay.

3. Điểm nhấn tin tức trong ngày:

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Trong hai tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng khá mạnh với biên độ từ 0,74 – 0,81%. Theo đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đạt 1,75%; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt đạt 1,84% và 2,07%/năm. Theo quan sát của chúng tôi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước. Điều này được thể hiện qua động thái bơm ròng qua kênh tín phiếu của NHNN và xu hướng tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng. Nhiều khả năng tín dụng đang tăng tốc mạnh khiến lượng vốn dư thừa trong hệ thống ngân hàng không còn nhiều như trước. Theo ghi nhận từ phía NHNN, tính đến ngày 15/11 khối lượng tín phiếu hiện lưu hành ở mức 53.270 tỷ đồng – thấp hơn nhiều so với quy mô 90.000 tỷ đồng tín phiếu tại thời điểm cuối quý 3. Dự báo lãi suất liên ngân hàng trong các tuần tới có thể duy trì xu hướng tăng nhưng về tổng thể mức tăng sẽ không quá lớn, đưa lãi suất các kỳ hạn lên mức 2-3%/năm.

4. Sự kiện nổi bật ngày mai (25/11/2016):

25/11/2016 TET Họp ĐHCĐ bất thường năm 2016
25/11/2016 DNC Trả cổ tức đợt 1/2016 bằng tiền, 1,000 đồng/CP
25/11/2016 VIC Lấy ý kiến CĐ bằng văn bản

5. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:

Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư 2411Ghi chú:
– T + 0 là ngày Mua.
– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.

—————————
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Điện thoại / Facebook / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý