1. Nhận định thị trường:
VN-Index lấy lại sắc xanh sau hai phiên giảm điểm, chỉ số tăng 4,6 điểm tiến lên 624,56 điểm cùng với 112,25 triệu cổ phiếu được khớp.
Nến xanh hình thành với mức đóng cửa cao nhất kèm theo thanh khoản đạt trên mức bình quân cho thấy người mua đã mạnh dạn giải ngân trở lại và tiếp tục kỳ vọng cho mức giá cao hơn. Các chỉ báo kỹ thuật hồi phục nhẹ, RSI tiếp cận lên mức 65, MACD tăng trở lại so với đường tín hiệu và Stochastic cũng hướng lên thể hiện xung lực tăng đang được cải thiện dần. VN-Index đã quay lại mức đỉnh đã thiết lập ở hai phiên trước đó, hiện tại dòng tiền tham gia mua vào vẫn đạt trên mức bình quân là tín hiệu tích cực để hỗ trợ chỉ số có thể chinh phục mức đỉnh này và tiến lên mức mục tiêu cao hơn ở 640 điểm. Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dưới góc độ kỹ thuật cũng đang góp phần không nhỏ vào đà hồi phục của chỉ số.
Về mặt xu hướng, dải BB đang có xu hướng thắt hẹp trong bối cảnh đường Momentum đang dao động quanh ngưỡng 100, còn đường ADX vẫn nằm dưới ngưỡng 25. Điều này có thể khiến chỉ số cần thêm nhịp dao động tích lũy quanh đường SMA20 trước khi kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn 635-640 điểm trong thời gian tới. Sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm chỉ báo dao động và đường MFI sẽ là nhân tố hỗ trợ cho diễn biến của đường giá. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD đã chớm cắt lên đường tín hiệu. Nếu chỉ báo này tiếp tục nới rộng khoảng cách với đường tín hiệu và vượt lên ngưỡng 0 thì sẽ làm tăng độ tin cậy về khả năng chỉ số sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh quanh 640 điểm.
Trên cơ sở đó, Nhật Cường cho rằng trong phiên giao dịch ngày mai (08/06/2016), chỉ số VN-Index có khả năng sẽ duy trì đà tăng và có thể sẽ vượt được mức đỉnh cũ trong phiên 18/05/2016 tại 627.81 điểm. Đồng thời, Nhật Cường cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục hướng vào nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps, đặc biệt nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là nhóm dẫn dắt chính đà tăng của thị trường. Ngoài ra, Nhật Cường đánh giá áp lực điều chỉnh không quá lớn và chỉ số VN-Index có thể chỉ xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên.
Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của chỉ số VN-Index ở mức 610.73 điểm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Đặc biệt là các cổ phiếu có trong danh mục Nhật Cường khuyến nghị ở cuối bài viết này.
2. Điểm nhấn phiên giao dịch ngày 07/06/2016:
Thị trường tiếp tục tăng trong bối cảnh khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 6 được dịu xuống, đồng USD giảm và giá dầu tăng. Thanh khoản giảm nhẹ, độ rộng thị trường tích cực. Khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở mức khá và mua ròng hơn 104 tỉ đồng trên cả hai sàn, VNM ETF premium 0,75%, FTSE ETF premium/discount 0,00%.
• Các mã ngân hàng diễn biến trái chiều với VCB & MBB tăng. ACB & EIB đóng cửa tại tham chiếu. CTG; STB & BID giảm. Sau khi được giao dịch sôi động vài tuần trước, hiện cổ phiếu ngân hàng đã trầm lắng trở lại.
Khảo sát lãi suất hàng tháng gần nhất của Chuyên viên cho thấy lãi suất cho vay giảm đáng kể trong tháng trước. Mặc dù tăng trưởng cho vay có vẻ đã tăng tốc trong 2 tuần cuối tháng; và có lẽ điều này có liên quan đến việc lãi suất cho vay giảm.
NHNN đã yêu cầu HĐQT của EIB đảm bảo tất cả các cổ đông được đối xử công bằng. Động thái này xuất phát từ việc có nhiều đơn thư khiếu nại của một nhóm cổ đông như đã đề cập hôm qua. Có vẻ NHNN đang theo dõi sát tình hình và muốn đảm bảo ĐHCĐBT tổ chức vào tháng 8 diễn ra suôn sẻ hơn sau khi 2 lần tổ chức chưa thành công ĐHCĐTN.
• BVH đóng cửa tại tham chiếu trong khi PVI giảm. Các mã chứng khoán đã có một phiên khả quan với HCM tăng mạnh, SSI tăng kém hơn còn VND đóng cửa tại tham chiếu.
Đã có một số tin đồn xung quanh cổ phiếu HCM. Ngoài ra công tác chuẩn bị để vận hành thị trường phái sinh vào đầu 2017 hiện đang được đẩy nhanh và Chuyên viên cho rằng thời hạn đề ra là một mục tiêu chắc chắn.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng khởi sắc hơn với VNM & MSN tăng trong khi KDC đóng cửa tại tham chiếu. FPT tăng nhẹ. MWT tiếp tục tăng mạnh và lập đỉnh từ đầu năm với KLGD đạt cao.
Có vẻ MWG đang tăng một phần vì tin đồn công ty sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới. Hiện tốc độ mở rộng mạng lưới cửa hàng có lẽ sẽ chậm lại. Và việc đẩy mạnh một chiến lược bán lẻ trực tuyến có vẻ hợp lý về dài hạn; tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác đã gặp phải những khó khăn ở lĩnh vực này.
• Cổ phiếu dầu khí tăng, dẫn đầu là GAS & PVD. PXS và PVS cũng tăng mạnh. Giá dầu đã tăng nhẹ đêm qua. Và lực mua gần đây ở những mã này cho thấy hiện nhiều NĐT vẫn có tỷ trọng thấp trong danh mục đối với cổ phiếu ngành dầu khí và vẫn đang tăng tỷ trọng.
• Cổ phiếu ngành sản xuất đã có một phiên khởi sắc với HPG và HSG tăng mạnh. PAC cũng tăng tốt. TTF & BMP cũng tăng. TMT giảm.
Giá cổ phiếu ngành sản xuất tăng cùng với đà tăng ở giá hàng hóa cơ bản và hiện các NĐT cũng đang kỳ vọng KQKD Q2 của những doanh nghiệp này sẽ khả quan.
• Cổ phiếu BĐS tăng nhẹ, dẫn dầu là VIC & BCI. TDH cũng có một phiên khởi sắc trong khi SJS giảm. NLG cũng giảm. KBC tăng trong khi CII giảm. CTD và HBC tăng.
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản cũng có một phiên khởi sắc. GTN tăng trần và lập đỉnh mới. PAN cũng tăng tốt và lập đỉnh mới từ đầu năm. VHC và VFG cũng bật lại tốt trong khi SBT tiếp tục tăng.
Việc GTN được thêm vào giỏ FTSE Vietnam index đã tạo ra lực mua lớn ở mã này; và điều này có lẽ sẽ còn tiếp diễn trong khoảng tuần tới.
Trên HSX, khối ngoại mua ròng hơn 92,7 tỷ đồng. MBB vẫn tiếp tục dẫn đầu về khối lượng mua ròng với hơn 1,5 triệu đơn vị. HPG cũng được mua ròng tích cực với hơn 420 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, HSG bị bán ròng mạnh nhất với hơn 339 nghìn đơn vị. Trên HNX, khối ngoại mua ròng 11,46 tỷ đồng. SCR dẫn đầu về khối lượng mua ròng với 669 nghìn đơn vị, tiếp theo đó là PVS với 442 nghìn đơn vị. Chiều ngược lại, SHB bị bán ròng hơn 457 nghìn đơn vị.
3. Thông tin Doanh nghiệp:
Thị trường ô tô, HAX, PTB: Phân hóa tiêu thụ sản lượng các phân khúc do việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/07/2016
Thị trường tiêu thụ ô tô chững lại trong nửa đầu năm
Nhìn lại bốn tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ ô tô toàn thị trường vẫn có mức tăng trưởng dương nhưng không ấn tượng như giai đoạn cùng kì. Cụ thể, lũy kế 4T/2016, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 85.410 xe (+10% so với cùng kì); trong khi cùng kì hai năm 2014 và 2015, mức tăng trưởng toàn thị trường đạt lần lượt là 28% và 37%. Đáng chú ý, sau 36 tháng liên tục tăng trưởng dương so với cùng kì, trong tháng 2/2016, cả hai dòng xe du lịch (PC) và xe thương mại (CV) bắt đầu ghi nhận tốc độ tăng trưởng âm. Tính đến tháng 4/2016, xe du lịch và xe thương mại lần lượt tiêu thụ 47.525 xe (+14% so với cùng kì) và 31.668 xe (+24% so với cùng kì).
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ô tô toàn thị trường chững lại, tiêu thụ ô tô nhập khẩu từ thị trường Thái Lan tăng vọt gần như trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. Theo số liệu thống kê của tổng cục hải quan, chỉ trong 4T/2016, sản lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là 10.169 xe (+48,1% so với cùng kì) và Thái Lan hiện đang là nước xuất khẩu xe hơi nhiều nhất vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê không chính thức, 70% xe Thái nhập về Việt Nam là các dòng xe bán tải như Ford Ranger, Toyota Hilux, Mazda BT-50, ….Các dòng xe trên được ưu đãi thuế khi thuế nhập khẩu chỉ ở mức 5%, trong khi các dòng khác là 50%; ngoài ra phí trước bạ vào khoảng 2% trong khi mức chung là từ 10-12%.
Kỳ vọng cao vào sản lượng tiêu thụ dòng xe du lịch trong các quý còn lại của năm
Đánh giá về thị trường trong năm 2016, sản lượng tiêu thụ xe du lịch trong được dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Trong đó, nửa cuối năm có thể là điểm rơi về doanh thu và sản lượng tiêu thụ do việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể, từ ngày 1/07/2016, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ bắt đầu được điều chỉnh. Cụ thể, giảm 5% với các dòng xe dưới 2.0L và tăng từ 5-90% với các dòng xe trên 2.5L. Quan sát bảng 1 dưới đây, các dòng xe thông dụng như Kia, Ford có mức giảm từ 20-30 triệu đồng sau khi điều chỉnh thuế. Với tâm lý chờ giá giảm, phân khúc tiêu thụ xe giá rẻ nhiều khả năng sẽ bùng nổ từ Q3 2016.
Đánh giá sơ lược về tác động của việc điều chỉnh thuế đến HAX và PTB
CTCP Hàng Xanh (HAX – HSX). HAX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và phân phối dòng xe Mercedes. Theo quan sát, hầu hết các dòng xe Mercedes được phân phối đều không được điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt do đều có dung tích bằng hoặc lớn hơn 2.0L. Trong đó, đáng chú ý, cá biệt có một số dòng xe với dung tích “khủng” như S500 hay Maybach có mức điều chỉnh tăng thêm từ 1,5 – gần 5 tỷ. Bằng phương pháp so sánh nhỏ, việc mua Maybach sau ngày 1/07/2016 tương đương với một chiếc Maybach trước khi điều chỉnh và cộng thêm 1 chiếc Mercedes S400. Do vậy, theo dự báo, điểm rơi về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tập trung vào nửa đầu năm thay vì quý cao điểm cuối năm do tâm lý “chạy” thuế của người tiêu dùng. Tính đến ngày 7/06/2016, giá cổ phiếu HAX đã tăng 39,2% so với thời điểm cuối Q1, mức tăng trên đã và đang phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với kết quả kinh doanh quý 2 được dự báo là tích cực của doanh nghiệp.
CTCP Phú Tài (PTB –HSX). Một trong ba mảng kinh doanh chính của công ty CP Phú Tài là hoạt động kinh doanh phân phối xe ô tô Toyota. Theo quan sát, ngoại trừ dòng xe toyota Land cruiser, giá bán nhiều dòng xe của Toyota được giữ nguyên hoặc giảm nhẹ sau đợt điều chỉnh tăng thuế. Mức điều chỉnh tuyệt đối thấp chỉ từ 20-30 triệu đồng nhưng được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực đến tâm lý người tiêu dùng. Trong thời gian gần đây, cổ phiếu PTB đã có sự điều chỉnh nhẹ. Chuyên viên vẫn giữ nguyên quan điểm và dự phóng như lần cập nhật gần nhất ngày 27/04/2016 với mức giá khuyến nghị là 130.000 đồng/cp. Với giá đóng cửa ngày 07/06/2016, nhà đầu tư giá trị vẫn có thể xem xét TÍCH LŨY cổ phiếu này trong TRUNG HẠN.
——————————–
PMC: CTCP Dược Phẩm Dược Liệu Pharmedic PMC là một cơ hội đầu tư tốt với một số điểm nhấn đầu tư:
– Sản phẩm PMC đã được khách hàng tin dùng trong nhiều năm qua nhờ chất lượng tốt và một số bí quyết khác tạo nên sự khác biệt, đồng thời có giá thành rất cạnh tranh. Có thể kể đến 3 sản phẩm nổi bật là B.A.R, Thuốc nhỏ mắt mũi Natri Clorid 0.9% và thuốc nước phụ khoa Gynofar.
– Tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ: i. tiếp tục tăng doanh thu kênh OTC thông qua tăng độ phủ của mạng lưới phân phối. ii. tăng cường độ nhận biết sản phẩm thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng cáo. iii. tận dụng hệ thống phân phối hiện có để tiếp thị các mặt hàng công ty sản xuất khác. iv. nâng công suất đối với các dây chuyền hết công suất.
– Tình hình tài chính lành mạnh: PMC hoàn toàn không có nợ vay, tiền và tương đương tiền chiếm đến 48% tổng tài sản.
– Định giá hấp dẫn: EPS 2016 trước khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi dự báo đạt 8.000 đồng/cổ phiếu. Với giá cổ phiếu ngày 30/5/2016 đạt 52.900 đồng/cp thì P/E tương ứng 6,6 lần. Khá thấp so với một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững, tăng trưởng tốt và tình hình tài chính lành mạnh.
– Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc tính thanh khoản của PMC khi đầu tư.
Kết quả kinh doanh Q1/2016 khả quan & Dự báo cả năm Q1/2016
PMC đạt 101,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,5% yoy. Lợi nhuận sau thuế đạt 17,56 tỷ đồng, tăng 19,2% yoy. Hệ thống phân phối của PMC đã phát triển 49/63 tỉnh thành trong cả nước với số lượng khách hàng tăng trưởng 4,6%. PMC đã mở rộng mạng lưới về các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, Cao Nguyên và Miền Bắc, đồng thời áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, tuyên truyền quảng cáo… Do đó, doanh thu Q1/2016 đã tăng tốt, là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận tăng 19,2% so với cùng kỳ. Dự báo năm 2016 PMC có thể đạt được 434 tỷ đồng doanh thu và 74,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 12% và 17% so với năm 2015.
Tổng quan PMC
Doanh thu 3 mặt hàng chính chiếm khoảng 70% đến 80% doanh thu:
– Nhóm sản phẩm nước nhỏ mắt, mũi. Chiếm khoảng 30%-40% tổng doanh thu.
– Sản phẩm thuốc nước phụ khoa Gynofar chiếm khoảng 30% tổng doanh thu.
– Sản phẩm B.A.R là thuốc, được sản xuất từ bìm bìm, atiso và rau đắng. Sản phẩm chuyên trị các bệnh về gan, giúp thông tiểu, nhuận trường. Chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.
Kênh phân phối chủ yếu là OTC chiếm gần 90%, sản phẩm phân phối kênh ETC có biên lợi nhuận không cao, chủ yếu đấu thầu để tăng mức độ nhận diện sản phẩm, thương hiệu PMC.
Thị trường Miền Nam chiếm khoảng 75% tổng doanh thu, phần còn lại phân bổ ở các Tỉnh Miền Trung, Cao Nguyên và Miền Bắc.
Công suất sử dụng nhà máy: Ngoài dây chuyền nhóm sản phẩm nước nhỏ mắt, mũi đã chạy hết công suất và dây chuyền thuốc nước phụ khoa chạy khoảng 70-80% công suất thì các dây chuyền còn lại chạy khoảng 50% công suất thiết kế.
Dự án xây dựng nhà máy mới:
– Đạt chuẩn PIC/S
– Sản phẩm là các mặt hàng hiện có của doanh nghiệp và một số sản phẩm khác
– Vốn đầu tư dự kiến 20 triệu USD, phương án huy động vốn chưa chốt.
– Tiến độ: dự kiến trong năm 2017 sẽ thuê xong đất và khởi công xây dựng vào năm 2018.
——————————–
GIL: Ngày 20/6 tới đây, VSD sẽ chốt danh sách cổ đông CTCP SXKD XNK Bình Thạnh (Gilimex – mã GIL) nhận cổ tức năm 2015 bằng tiền tỷ lệ 25% (01 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Thời gian thực hiện 7/7/2016. Như vậy, Gilimex sẽ chi gần 35 tỷ đồng trả cho cổ đông.
——————————–
SHB: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ định ngân hàng phục vụ cho các tiểu dự án thuộc Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam – khoản vay 3 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) được chỉ định là ngân hàng phục vụ cho các tiểu dự án “Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Cửa Lò”, “Cấp nước đô thị Điện Nam – Điện Ngọc và Tam Hiệp” và “Phát triển hệ thống cấp nước thành phố Thái Nguyên”. Các dự án trên thuộc Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam – khoản vay 3 do ADB tài trợ theo Hiệp định vay số 3251-VIE ký ngày 19/11/2015.
——————————–
FLC: Ngày 7/6/2016, CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Ban lãnh đạo FLC cho biết, dự kiến kết thúc quý II, lợi nhuận trước thuế ước đạt 500 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt để Tập đoàn có thể hoàn thành mục tiêu cả năm đạt doanh thu hợp nhất 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính 2015, doanh thu hợp nhất của Tập Đoàn đạt 5.326 tỷ đồng, tăng 258% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng, tăng 255% so với năm 2014; chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 748 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước 272 tỷ đồng. Sang năm 2016, FLC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31,4% và 3,6% so với kết quả đạt được trong năm 2015.
——————————–
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) công bố kế hoạch tiến hành IPO trước cuối năm 2016
PV Power sẽ thực hiện IPO với quy mô đáng kể và dự kiến sẽ tiến hành trong năm nay – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) gần đây đã công bố kế hoạch bán 25% cổ phần cho công chúng đến cuối năm nay. Phần còn lại 75% cổ phần vẫn do nhà nước nắm giữ. Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, PV Power có vốn điều lệ là 21,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 972 triệu USD tăng 66,1% từ năm 2014.
Thông tin chi tiết về IPO là rất hạn chế – Không có bất kỳ con số cụ thể cũng như thông tin về kế hoạch IPO đã được phê duyệt là không nhiều, theo đó khó để đánh giá về IPO tại thời điểm này. Giả định vốn điều lệ sau IPO sẽ không thay đổi nhiều so với mức vốn hiện tại, là 21,8 nghìn tỷ đồng, mức bán đấu giá 25% cổ phần tương đương với 545 triệu cổ phiếu hay 5,5 nghìn tỷ đồng mệnh giá (243 triệu USD). Theo đó, Chuyên viên giả định công ty sẽ tiến hành IPO và có thể phát hành riêng lẻ cho một đối tác chiến lược.
Với tiến độ hiện tại, có khả năng lớn là IPO sẽ được tiến hành trong năm nay – Theo công ty cho biết, công ty đã bắt đầu chuẩn bị cho quá trình IPO kể từ cuối năm 2015 và gần đây trong tháng 6 này cũng nhận được phê duyệt chính thức đối với giá trị định giá công ty. Trong khi đó, đến tháng 8 năm nay kế hoạch IPO chi tiết sẽ được trình phê duyệt lên Bộ Công thương. Và thời gian tiến hành IPO được xác định là vào tháng 10. Nhìn chung, kế hoạch và thời gian cụ thể là không chắc chắn cho đến khi Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch và đưa ra thời gian chính xác. Tuy nhiên, khả năng tiến hành IPO trong năm nay là rất lớn.
KQKD 2015 kém khả quan do lỗ tỷ giá lớn – Trong năm 2015, PV Power đã công bố doanh thu thuần hợp nhất là 23,2 nghìn tỷ đồng (giảm 4,3%) và LNST cho cổ đông công ty mẹ chỉ là 995 tỷ đồng, giảm 54,8% so với năm 2014. Kết quả kinh doanh kém chủ yếu do chi phí tài chính thuần tăng mạnh, là 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 409% so với năm 2014) do lỗ tỷ giá tăng vọt. Trong khi đó EBIT và EBITDA 2015 lần lượt là 4,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 24,8%) và 6,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11,8%).
PV Power là công ty sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Xét về công suất, theo báo cáo thường niên của EVN, đến cuối năm 2014, PV Power chiếm 12,99% tổng công suất sản xuất điện của Việt Nam. EVN dẫn đầu ngành với tỷ trọng công suất là 60,3%.
4. Điểm nhấn tin tức trong ngày:
Tổng cục Thống kê công bố doanh thu bán lẻ tháng 5 đạt 1.427 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ) – Và tăng 7,8% so với cùng kỳ theo giá trị thực. Như vậy mức tăng doanh thu bán lẻ tháng 5 giảm so với mức 9,2% cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán lẻ trong tháng 5 đạt 286,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng liền trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn bộ các nhóm hàng hóa bán lẻ có cùng xu hướng với doanh thu chung; nghĩa là cùng tăng so với tháng liền trước và so với cùng kỳ. Doanh thu thương mại chiếm trên 76% tổng giá trị và đạt 218,9 nghìn tỷ đồng (tăng 1,3% so với tháng liền trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ); khách sạn đạt 31,4 nghìn tỷ đồng (tăng 5,5% so với tháng liền trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ); du lịch đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 13,9% so với tháng liền trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ); dịch vụ khác đạt 33,4 nghìn tỷ đồng (tăng 1% so với tháng liền trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ). Tương tự như năm ngoái nhờ một phần do tính thời vụ, doanh thu từ dịch vụ khách sạn và du lịch tăng mạnh trong tháng 5.
——————————–
Bộ Tài chính vừa cập nhật tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm 2016. Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 5 ước đạt 71,7 nghìn tỷ đồng, đưa tổng thu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi thu nội địa 5 tháng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng 41% dự toán năm thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu lại giảm 3,3% và chỉ bằng 34% dự toán. Lũy kế 5 tháng, thu từ dầu thô giảm 48% và chỉ bằng 29% dự toán. Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi NSNN tháng 5 ước 95,68 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ngân sách trích 68 nghìn tỷ đồng để chi đầu tư phát triển và chi 64,55 nghìn tỷ đồng để trả nợ và viện trợ sau 5 tháng, bằng tương ứng 26,7% và 41,6% dự toán năm. Như vậy, bội chi NSNN 5 tháng ước đạt 70 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán năm.
——————————–
Khảo sát lãi suất hàng tháng của Chuyên viên – Lãi suất cho vay giảm mạnh trong tháng 5 cho dù lãi suất huy động tăng
Chuyên viên đã hoàn tất cuộc khảo sát lãi suất cho vay và huy động trong tháng 5/2016. Những điểm chính Chuyên viên ghi nhận thấy là:
Lãi suất huy động bình quân tiền đồng tăng 0,01% trong tháng 5 – Lãi suất huy động bình quân tiền đồng tại thời điểm cuối tháng 5 tăng nhẹ 0,01% từ 6,06% trong tháng 4 lên 6,07%. Như vậy lãi suất huy động đã tăng 0,18% so với đầu năm và cao hơn 0,38% so với đáy là 5,69% thiết lập vào tháng 5 năm ngoái.
Hiện lãi suất huy động chưa thể hiện rõ xu hướng với một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chẳng hạn như Ngân hàng Liên Việt tăng đồng loạt ở tất cả các kỳ hạn từ 0,1-0,5%; Ngân hàng Quân đội tăng 0,1% đối với kỳ hạn 6-9 tháng và 0,3% đối với kỳ hạn 36-60 tháng; Ngân hàng Hàng hải, SCB và SHB nâng 0,1-0,3% đối với lãi suất kỳ hạn ngắn; VIB và TCB nâng 0,1-0,2% đối với lãi suất kỳ hạn 12 tháng. Trái lại, một số NHTMCP giảm nhẹ lãi suất huy động. Cụ thể Chuyên viên thấy OCB và STB giảm 0,1% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Trong khi đó Ngân hàng Hàng hải giảm 0,1% lãi suất đối với kỳ hạn 18-36 tháng trong khi ACB giảm 0,1% lãi suất đối với kỳ hạn 9 tháng.
Hiện OCB và Ngân hàng Xây dựng có lãi suất huy động cạnh tranh nhất. Cụ thể, 2 ngân hàng này áp dụng lãi suất kỳ hạn ngắn (1-4 tháng) là 5,2-5,5%; trung hạn (6-9 tháng) là 6,3-6,6% và kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) là 7,1-7,9%.
Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,08% trong tháng 5 – Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,08% trong tháng 5 từ 9,35% trong tháng 4 xuống còn 9,27%. Đây cũng là mức thấp nhất trong năm và thấp hơn 0,3% so với đầu năm.
Chuyên viên thấy một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở hầu hết các kỳ hạn, chẳng hạn EIB giảm 0,2-0,5%; TCB giảm 1,5% và Ngân hàng Đông Á giảm 0,3%. Trong khi đó, ACB và STB giảm lãi suất cho vay ngắn và trung hạn (giảm 0,11-1,5%) nhưng tăng lãi suất kỳ hạn dài (tăng 0,2-0,33%). Ngoài ra, VCB cũng tăng 0,5% lãi suất đối với các khoản vay kỳ hạn dài.
VCB và Agribank có lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn thấp nhất, là 7%. Trong khi đó EIB có lãi suất cho vay trung dài hạn thấp nhất, là 8,5-9%.
Lãi suất huy động USD vẫn ở mức 0%. Trong khi đó lãi suất cho vay bình quân là 4,44%; giảm mạnh từ mức 4,93% ở tháng 4. Như vậy lãi suất cho vay USD giảm 0,5% so với đầu năm và là mức thấp nhất kể từ khi Chuyên viên bắt đầu tiến hành khảo sát lãi suất vào 2012. Lãi suất cho vay thông thường dao động từ 2-7,5%.
5. Sự kiện nổi bật ngày mai (08/06/2016):
08/06/2016 10:00 AAA Giao dịch bổ sung – 2,400,000 CP
08/06/2016 10:00 TIG Giao dịch bổ sung – 12,350,000 CP
08/06/2016 10:00 CTD Giao dịch bổ sung – 3,604,530 CP
6. Danh mục cổ phiếu khuyến nghị đầu tư:
Ghi chú:
– “Giá mục tiêu” và “Giá cắt lỗ” sẽ được cập nhật dựa trên diễn biến giao dịch hàng ngày của từng mã.
– Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng được điều chỉnh tương ứng.
——————————–
Nguồn: Tổng hợp từ các CTCK
Phan Nhật Cường – Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
Điện thoại / Zalo / Viber: 0912.842.224
Skype: dautu.cophieu
Email: dautucophieu68@gmail.com
Website: dautucophieu.net