Trong các năm gần đây, xu hướng vay vốn tài trợ dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế đã trở nên ngày càng phổ biến ở các ngân hàng Việt Nam. Nhiều ngân hàng gần đây đã được các tổ chức xếp hạng quốc tế như Moody và Fitch nâng hạng tín nhiệm. Theo Fitch, việc nâng hạng này xem xét đến những chuyển biến tích cực trong môi trường vận hành trong nước, trong khi các chính sách kinh tế cũng có sự cải thiện đáng kể. Chính phủ cũng đang cố gắng duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Chúng tôi tin rằng các điều kiện khả quan này đã góp phần đáng kể làm tăng cơ hội của các ngân hàng Việt Nam trong việc xin vay vốn tài trợ dài hạn của các tổ chức tài chính quốc tế.
Lợi ích của các hợp đồng vay vốn dài hạn quốc tế
Từ phía các ngân hàng trong nước, việc vay vốn nước ngoài có thể giúp họ tăng cường thanh khoản và có được sự linh động hơn trong cơ cấu vốn. Trong bối cảnh Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn về nguồn vốn huy động thì các ngân hàng sẽ phải tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn vay trung và dài hạn. Hiện nay do nguồn vốn trong nước và tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng còn hạn chế, nhất là đối với các ngân hàng đã hết room ngoại, thì việc huy động vốn từ nước ngoài sẽ giúp họ tiếp cận với nguồn vốn phong phú hơn và với chi phí rẻ hơn.Từ phía các tổ chức tài chính quốc tế, việc cấp vốn cho các ngân hàng tại các nước đang phát triển là cách thức hỗ trợ cho các mục tiêu hỗ trợ phát triển của họ. Các nguồn vốn do các tổ chức này cấp thường được phục vụ cho các khoản vay có mục đích tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, kinh tế, bao gồm việc thúc đẩy nền kinh tế tư nhân và cho vay các đối tượng có ít điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu này cũng phù hợp với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ của hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam. Đơn cử như các khoản vay do ADB và IFC cấp, phần lớn là nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu vốn dài hạn đang trở nên cấp thiết kể từ khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và thương mại của Đông Nam Á. Theo VIB, khoản vay mà IFC cấp cho ngân hàng này được kỳ vọng sẽ tăng gấp dôi dư nợ cho vay phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vòng 5 năm tới. Đối với SHB, khoản vay do IIB cấp nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với các nước thành viên của IIB.
Việc huy động nguồn vốn dài hạn từ nước ngoài sẽ giúp cho các ngân hàng cải thiện hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-NHNN, trong đó quy định hệ số này phải giảm dần từ 45% xuống còn 40% từ ngày 01/01/2019. Theo đó, ngoài giữ lại lợi nhuận và phát hành trái phiếu dài hạn thì việc vay vốn tài trợ từ nước ngoài cũng là một cách hiệu quả để các ngân hàng tăng cường huy động trung – dài hạn và cải thiện hệ số nêu trên.
Một lợi ích khác là các khoản vay dài hạn có thể góp phần cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng. Thông tư 41/2016/ TT-NHNN, một trong hai văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Basel 2, quy định rằng các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì hệ số CAR ở mức tối thiểu 8%. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Chúng tôi cho rằng, với tình hình vốn hiện nay, các ngân hàng sẽ phải tích cực huy động vốn trong năm 2019, dù là để đáp ứng tuân thủ theo Thông tư 41 đúng hạn hay để nâng bộ đệm vốn nhằm đảm bảo khả năng duy trì tăng trưởng cao trong các năm sau. Trong lúc chờ đợi việc tăng vốn Cấp 1 vốn còn phụ thuộc nhiều yếu tố mới thực hiện được, nhất là với các ngân hàng quốc doanh, thì các ngan hàng có thể tiến hành vay vốn tài trợ dài hạn từ nước ngoài để góp phần cải thiện vốn Cấp 2.
Thêm vào đó, các ngân hàng cần phải duy trì một nguồn dự phòng vốn ngoại tệ để phục vụ cho nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015, các công ty xuất khẩu đạt đủ tiêu chuẩn vẫn có thể tiếp tục vay vốn ngoại tệ. Trong diều kiện trần lãi suất huy động bằng ngoại tệ được quy định ở mức 0% thì việc các ngân hàng huy động tiền gửi bằng ngoại tệ là vô cùng khó khăn. Chúng tôi nhận thấy cho đến tháng 9/2018, việc huy động tiền USD của các ngân hàng đang có xu hướng giảm trong khi cho vay USD vẫn đang tiếp tục tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc vay vốn tài trợ từ nước ngoài là một trong số các cách tốt nhất để có được nguồn vốn ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu cho vay của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lợi ích cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng của việc vay vốn dài hạn nước ngoài là việc được chấp thuận vay cũng sẽ đem lại tác động tích cực đến triển vọng của các ngân hàng trong tương lai. Các ngân hàng được nhận tài trợ sẽ tạo được tiếng vang tốt, nâng cao được mức tín nhiệm và vị thế không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế. Thông thường một khi đã đồng ý tài trợ thì các tổ chức cho vay cũng sẽ tiếp tục cho vay trong các năm sau, nhờ đó ngân hàng đi vay sẽ có được nguồn vốn ổn định dài hạn. Ngoài ra, đối với ADB và IFC, các tổ chức này sẽ còn tư vấn cho ngân hàng đi vay về cách thức quản lý vận hành, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực phát triển. Ví dụ như trường hợp của OCB, việc vay vốn chỉ là một phần trong thỏa thuận hợp tác với IFC, trong đó bao gồm hạn mức cho vay ngắn hạn, tư vấn quản lý, và chương trình hỗ trợ triển khai các phương án nhằm nhanh chóng bắt kịp với các tiêu chuẩn của khu vực và toàn cầu. Đối với SHB, IIB cũng sẽ chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực quản lý. Đối với CTG, khoản vay được cấp bởi 8 ngân hàng Đài Loan mở ra cơ hội hợp tác sâu sắc hơn với họ. Về BID, chúng tôi cũng kỳ vọng rằng khoản vay 300 triệu USD được cấp bởi ADB gần đây cũng sẽ giúp cho ngân hàng nang cao vị thế cạnh tranh của mình trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các thách thức đối với ngân hàng Việt Nam khi vay vốn quốc tế
Để được chấp thuận vay, các ngân hàng sẽ phải chứng minh rằng năng lực vận hành và tiềm năng phát triển của họ có thể thỏa mãn kỳ vọng cao của tổ chức cho vay. Quá trình đàm phán cũng có thể kéo dài do thông thường việc vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài là hiếm có tiền lệ trước đây. Thêm vào đó, việc hệ thống luật pháp và các quy định pháp lý khác nhau giữa các quốc gia cũng có thể làm chậm quá trình đàm phán và triển khai các giao dịch tài trợ vốn này.
Khi đã được chấp thuận cho vay thì các ngân hàng đi vay sẽ phải quản lý rủi ro biến động tỷ giá liên quan đến khoản vay. Trong một số trường hợp, khoản vay được chỉ định phục vụ cho một số mục đích nhất định thì các ngân hàng còn có thể gặp khó khăn trong việc tìm các trường hợp giải ngân thỏa mãn mục đích đặt ra.
Tựu chung lại, việc xin vay vốn tài trợ dài hạn của các tổ chức quốc tế, dù có thể có một số khó khăn, nhưng với những lợi ích đã nêu, chúng tôi tin rằng việc xin vay vốn dài hạn (cùng với việc phát hành trái phiếu dài hạn) là một cách hiệu quả để bổ sung nhu cầu nguồn vốn trung và dài hạn của các ngân hàng.
Nguồn: VDSC