Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2024
TCM đã công bố KQKD khả quan trong Q2/2024. Doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ đạt 847 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng mạnh 3.684% so với cùng kỳ đạt 71 tỷ đồng (so với chỉ 1,9 tỷ đồng trong Q2/2023), vượt 15% so với dự báo của HSC. Nếu không tính đến khoản lỗ không thường xuyên 17 tỷ đồng từ việc bán cổ phần tại công ty liên kết Savimex (SAV) trong Q2/2023, lợi nhuận thuần đã tăng 273% so với cùng kỳ. Nhờ doanh thu tốt hơn, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng 4,7 điểm phần trăm lên mức 18% so với 13,3% trong Q2/2023.
Đồ thị cổ phiếu TCM phiên giao dịch ngày 06/08/2024. Nguồn: AmiBroker
Tính chung nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của TCM tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 1.781 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt 134 tỷ đồng, so với lợi nhuận thuần 56 tỷ đồng và lợi nhuận thuần HĐKD cốt lõi 74 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Tất cả các mảng chủ lực đều tăng mạnh
Theo mảng, doanh thu hàng may mặc – sản phẩm chủ lực của TCM – tăng 14,4% so với cùng kỳ đạt 633 tỷ đồng. Doanh thu mảng vải cũng tăng 16,3% so với cùng kỳ đạt 122 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng sợi vẫn là mảng tăng mạnh nhất với mức tăng trưởng 61,8% so với cùng kỳ từ mức nền thấp, đạt 92 tỷ đồng.
Theo thị trường, Hàn Quốc là thị trường có kết quả tốt nhất trong quý, với doanh thu đạt 238 tỷ đồng trong Q2/2024, tăng 32% so với cùng kỳ, và đạt 473 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 12% so với cùng kỳ. Tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4, BLĐ TCM cũng đã cho biết, trong tháng 1/2024, TCM đã ký thỏa thuận với E-land Asia Holdings, cổ đông lớn của TCM, cho đơn hàng cả năm với 10 triệu sản phẩm may mặc, tăng gấp đôi so với năm 2023. Theo đó, HSC tin rằng doanh thu xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những quý tới.
Bảng 1: KQKD Q2/2024 & 6 tháng đầu năm 2024, TCM
Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ tăng 7,2% so với cùng kỳ đạt 197 tỷ đồng trong khi doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ đạt 158 tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu sang các thị trường khác tăng 30% so với cùng kỳ đạt 252 tỷ đồng.
Xem xét lại dự báo
HSC tin rằng nửa cuối năm 2024 sẽ tươi sáng hơn đối với ngành xuất khẩu dệt may của Việt Nam nói chung và đối với Cổ phiếu TCM nói riêng. Sự lạc quan này được hỗ trợ bởi thực tế là mức tồn kho tại hầu hết các thương hiệu thời trang lớn trên toàn cầu đã có xu hướng giảm. Ngoài ra, cả chỉ số sản xuất và chỉ số việc làm của ngành dệt may Việt Nam đều tiếp tục cải thiện. HSC đang xem xét lại dự báo của mình đối với TCM.
Bảng 2: Cơ cấu doanh thu thuần theo mảng kinh doanh, TCM
Bảng 3: Cơ cấu doanh thu thuần theo thị trường, TCM
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.