Triển vọng doanh thu xuất khẩu tích cực
Chúng tôi tăng lần lượt 11,3% và 13,2% dự báo lợi nhuận năm 2021 và 2022 của MPC phản ánh triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ hơn trong năm 2021, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ sau khi gỡ bỏ thuế chống bán phá giá. Chúng tôi tăng 63,9% giá mục tiêu lên 47.700đ sau khi tăng dự báo lợi nhuận và giảm giả định chi phí vốn. Nâng khuyến nghị lên Mua vào với tiềm năng tăng giá 28,2%.
Đồ thị cổ phiếu MPC phiên giao dịch ngày 16/03/2021. Nguồn: AmiBroker
Dự báo doanh thu tại thị trường Mỹ hồi phục mạnh
Vào ngày 11/2/2021, Cổ phiếu MPC nhận được quyết định từ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ về việc bãi bỏ mức thuế chống bán phá giá đối với MSeafood, một công ty con của MPC, ban đầu được áp dụng vào ngày 13/10/2020.
Theo quyết định này, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ xác định MPC không trộn lẫn tôm xuất xứ Ấn Độ với tôm xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ thông qua công ty con MSeafood. Do đó, các sản phẩm của MPC hiện được gỡ bỏ thuế chống bán phá giá tại Mỹ.
Đây là một thông tin rất tích cực đối với MPC vì Mỹ là thị trường quan trọng nhất của Công ty và đóng góp khoảng 26-30% vào doanh thu hàng năm. Quyết định này sẽ thúc đẩy doanh thu của MPC trong những năm tới.
Chúng tôi ước tính doanh thu tại Mỹ giảm khoảng 39% xuống 150 triệu USD trong năm 2020 do cuộc điều tra chống bán phá giá. Do MPC không còn bị áp thuế chống bán phá giá, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi đáng kể từ năm 2021 trở đi.
Ngoài ra, MPC có thể được hoàn lại thuế chống bán phá giá mà Công ty đã nộp trong quá trình điều tra. Chúng tôi ước tính khoảng 5,3 triệu USD. Hiện tại, chúng tôi chưa có thông tin về cách thức hoặc thời điểm Công ty nhận được khoản bồi hoàn này.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 15% trong năm 2021
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể đạt 4,4 tỷ USD, tăng trưởng 15%. Các động lực chính như sau:
- Nhu cầu tôm trên toàn cầu ngày càng gia tăng, nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và giao hàng tận nhà. Trong khi đó, nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ hồi phục trở lại trong năm 2021 nhờ vắc-xin.
- Hiệu định EVFTA sẽ có hiệu lực trong cả năm. Hiệp định thương mại tự do EU[1]Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 và sẽ có hiệu lực trong cả năm 2021.
Theo hiệp định EVFTA, thuế suất đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam sang EU đã giảm xuống 0% từ mức thuế suất GSP trước đây là 4,2%. Ngày có hiệu lực là ngày 1/8/2020. Thuế đánh vào tôm hấp sẽ giảm dần về 0% từ mức 14,5% hiện tại trong vòng 6 năm tới và thuế đánh vào tôm chế biến sẽ giảm dần trong 8 năm xuống 0% từ mức 7,0% hiện tại.
Thị trường châu Âu chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam và 12% giá trị xuất khẩu của MPC hàng năm.
KQKD năm 2020 cao hơn một chút so với dự báo
MPC gần đây đã công bố KQKD Q4/2020 mạnh mẽ với lợi nhuận thuần là 136 tỷ đồng (tăng 161,6% so với cùng kỳ) và doanh thu thuần là 4.353 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ). Trong năm 2020, lợi nhuận thuần tăng trưởng 40,0% lên 617 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần giảm 15,7% xuống 14.334 tỷ đồng. Kết quả cao hơn một chút so với dự báo; doanh thu thực tế cao hơn 2,5% và lợi nhuận thuần cao hơn 0,5% so với dự báo của chúng tôi.
Doanh thu giảm chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm do lệnh chống bán phá giá, trong khi lợi nhuận thuần tăng nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp mở rộng và chi phí tài chính giảm.
Với việc gỡ bỏ thuế chống bán phá giá, chúng tôi kỳ vọng doanh thu của MPC tại thị trường Mỹ sẽ phục hồi đáng kể từ năm 2021 trở đi.
Tăng dự báo năm 2021 và 2022 nhờ tăng dự báo doanh thu xuất khẩu
Chúng tôi tăng lần lượt 11,4% và 11,3% dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần năm 2021 lên lần lượt 17.025 tỷ đồng (tăng trưởng 18,8%) và 796 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).
Chúng tôi tăng dự báo doanh thu năm 2021 nhờ tăng 14,7% dự báo doanh thu xuất khẩu, đạt 715 triệu USD (tăng trưởng 22,7%). Kết quả này phản ánh xuất khẩu sang Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau khi bãi bỏ thuế chống bán phá giá đã được áp dụng cho MPC, đồng thời, doanh thu tại các thị trường chủ chốt khác cũng tăng. Xuất khẩu trong năm 2021 tăng trưởng nhờ động lực từ dịch vụ thực phẩm tăng, sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội tại hầu hết các quốc gia khi các chương trình tiêm chủng được triển khai.
Theo đó, chúng tôi tăng lần lượt 14,4% và 13.2% dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2022 lên lần lượt 19.084 tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%) và 903 tỷ đồng (tăng trưởng 13,4%).
Chúng tôi cũng lần đầu đưa ra dự báo năm 2023 với doanh thu thuần đạt 20.864 tỷ đồng (tăng trưởng 9,3%) và lợi nhuận thuần đạt 982 tỷ đồng, tăng trưởng 8,3%.
Tăng 63,9% giá mục tiêu lên 47.700đ; khuyến nghị Mua vào
Chúng tôi tăng 63,9% giá mục tiêu theo phương pháp DCF lên 47.7000đ do đồng thời tăng dự báo lợi nhuận và giảm giả định chi phí vốn. Tại giá mục tiêu mới, tiềm năng tăng giá 28,2% so với thị giá hiện tại. Nâng khuyến nghị lên Mua vào.
Với giá mục tiêu, MPC sẽ giao dịch với P/E dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 12,6 lần và 11,1 lần. Hiện tại, MPC đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 9,8 lần và 8,7 lần; thấp hơn rất nhiều so với bình quân P/E dự phóng 1 năm là 10,8 lần (trong 3 năm qua).
Biểu đồ 1: P/E dự phóng 1 năm, MPC
Bảng 2: Định giá các công ty cùng ngành MPC
Rủi ro đầu tư
- Các kênh dịch vụ thực phẩm tại các thị trường trọng điểm phục hồi thấp hơn dự báo. Các kênh dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 45-50% doanh thu xuất khẩu của MPC. Dù chúng tôi dự báo phân khúc dịch vụ ăn uống sẽ phục hồi trong năm 2021, nhưng có khả năng nhu cầu sẽ tiếp tục giảm do dịch COVID-19 kéo dài tại các thị trường chính, đặc biệt là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp của MPC chịu biến động lớn từ biến động giá nguyên vật liệu. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo việc mở rộng ‘công nghệ nuôi 2-3-4′ sẽ giúp MPC tăng nguồn tôm nguyên liệu tự cung cấp. Theo đó, giá nguyên vật liệu sẽ giảm mức độ biến động. Tác động của sự thay đổi chiến lược này thể hiện rõ trong KQKD Q4/2020, khi chúng tôi nhận thấy giá đầu vào thấp hơn và tỷ suất lợi nhuận gộp tăng.
Dự báo mới năm 2021 và 2022
Chúng tôi nâng lần lượt 11,4% và 13,2% dự báo doanh thu năm 2021 và 2022, do chúng tôi kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi mạnh sau khi gỡ bỏ thuế chống bán phá giá gần đây. Theo đó, chúng tôi tăng lần lượt 11,3% và 13,2% dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 và 2022 lên lần lượt 796 tỷ đồng (tăng trưởng 29%) và 903 tỷ đồng (tăng trưởng 13,4%). Trong năm 2023, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần là 982 tỷ đồng (tăng trưởng 8,7%).
Chúng tôi tóm tắt các dự phóng cũ và mới cho năm 2021 và 2022 trong bảng bên dưới.
Bảng 3: Điều chỉnh dự báo năm 2021-2022
Dự báo mới năm 2021
Chúng tôi tăng lần lượt 11,4% và 11,3% dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2021 lên lần lượt 17.025 tỷ đồng (tăng trưởng 18,8%) và 796 tỷ đồng (tăng trưởng 29%). Các giả định chính như sau:
Bảng 4: Điều chỉnh các giả định chính cho năm 2021
Chúng tôi tăng 14,7% dự báo tổng doanh thu xuất khẩu sẽ đạt 715 triệu USD (tăng trưởng 22,7%). Trong đó, sản lượng tiêu thụ dự kiến là 64,900 tấn (tăng trưởng 18%), tăng 7,1% so với dự báo trước đó. Giá bán bình quân được dự báo là 11 USD/kg (tăng 4%), tăng 7,1% so với dự báo trước đó.
Doanh thu theo thị trường:
- Tăng 17,2% dự báo doanh thu tại Mỹ sẽ đạt 188 triệu USD (tăng trưởng 25%) nhờ gỡ bỏ thuế chống bán phá giá.
- Tăng lần lượt 9,6% và 23,5% dự báo doanh thu sang Nhật Bản và châu Âu lên lần lượt 159 triệu USD (tăng trưởng 5%) và 95 triệu USD (tăng trưởng 25%). Chúng tôi kỳ vọng dịch vụ ăn uống tại những thị trường này sẽ phục hồi sau khi vắc-xin ra mắt giúp giảm các yêu cầu phong tỏa và giãn cách xã hội.
Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 là 11,3% (so với 12,0% trong dự báo trước đó) do dự báo giá đầu vào tăng 7% lên 102.000 đ/kg (tăng 10% so với dự báo trước đó) do nguồn cung tôm tươi trong nước chịu áp lực từ nhu cầu xuất khẩu cao.
Lãi thuần từ HĐ tài chính sẽ đạt 26 tỷ đồng so với lỗ 68 tỷ đồng trong dự báo trước đó. Kết quả này chủ yếu do chi phí lãi vay giảm 56,5% xuống 90 tỷ đồng (so với 208 tỷ đồng trong dự báo trước đó) sau khi lãi suất giảm do dịch COVID-19.
Tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng/doanh thu sẽ được duy trì ở mức 6,2%.
Từ đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 là 796 tỷ đồng (tăng trưởng 29,0%). EPS dự phóng 2021 sẽ đạt 3.786đ, tương ứng với P/E dự phóng là 9,8 lần và P/B dự phóng là 1,3 lần.
Dự báo mới năm 2022
Chúng tôi tăng lần lượt 14,4% và 13,2% dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần năm 2022 lên lần lượt 19.084 tỷ đồng (tăng trưởng 12,1%) và 903 tỷ đồng (tăng trưởng 13,4%). Các giả định chính như sau:
Bảng 5: Điều chỉnh các giả định chính cho năm 2022
Chúng tôi tăng 16,4% dự báo tổng doanh thu xuất khẩu lên 774 triệu USD (tăng trưởng 8,1%). Trong đó, sản lượng tiêu thụ dự báo đạt 68.145 tấn (tăng trưởng 5%), tăng 7,1% so với dự báo trước đó; giá bán bình quân năm 2022 là 11,4 USD/kg (tăng 3%), tăng 8,7% so với dự báo trước đó.
Doanh thu theo thị trường:
- Tăng 25% dự báo doanh thu xuất khẩu sang Mỹ sẽ đạt 200 triệu USD (tăng trưởng 6,7%).
- Tăng lần lượt 11,7% và 48,5% dự báo doanh thu sang Nhật Bản và châu Âu lên lần lượt 162 triệu USD (tăng trưởng 2%) và 119 triệu USD (tăng trưởng 25%).
Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp không đổi ở mức 11,3% (so với 12,0% trong dự báo trước đó).
Tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng/doanh thu sẽ được duy trì ở mức 6,2%.
Từ đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần năm 2022 là 903 tỷ đồng (tăng trưởng 13,4%). EPS dự phóng 2022 sẽ đạt 4.293đ, tương ứng với P/E dự phóng là 8,7 lần và P/B dự phóng là 1,2 lần.
Dự báo năm 2023
Dự báo cho năm 2023, doanh thu thuần đạt 20.864 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% và lợi nhuận thuần là 982 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7%. Chúng tôi dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ tăng trưởng 5% lên 71.550 tấn và giá bán bình quân sẽ tăng lên 11,6 USD/kg (tăng 2%).
Đánh giá KQKD Q4/2020: KQKD mạnh mẽ hơn dự báo
KQKD Q4/2020 của MPC mạnh mẽ với lợi nhuận thuần tăng 161,6% so với cùng kỳ lên 140 tỷ đồng, vượt 2,8% dự báo của chúng tôi là 136 tỷ đồng. Doanh thu thuần tăng 2% so với cùng kỳ lên 4.353 tỷ đồng, vượt 8,8% dự báo là 4.002 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần tăng nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tăng và chi phí tài chính giảm.
Bảng 6: KQKD Q4/2020, MPC
Doanh thu xuất khẩu tăng 9% trong Q4/2020
Trong Q4/2020, doanh thu xuất khẩu của MPC ước tính đạt 173 triệu USD (tăng 9% so với cùng kỳ). Trong cả năm 2020, doanh thu xuất khẩu của MPC ước tính đạt 583 triệu USD (giảm 9).
Công ty không tiết lộ doanh thu theo thị trường nhưng nhiều khả năng xuất khẩu trong Q4/2020 tăng mạnh từ các thị trường Canada, Nhật Bản và châu Âu.
Trong cả năm 2020, hoạt động xuất khẩu của MPC phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm một cuộc điều tra chống bán phá giá tại thị trường trọng điểm là Mỹ (chiếm khoảng 26% tổng doanh thu trong năm 2020) và tác động của dịch COVID-19 lên nhu cầu ngành dịch vụ thực phẩm (khách sạn-nhà hàng-quán ăn) tại các thị trường trọng điểm. Ngành dịch vụ thực phẩm chiếm khoảng 50% doanh thu xuất khẩu của MPC.
Chúng tôi ước tính doanh thu tại Mỹ giảm khoảng 39% xuống 150 triệu USD trong năm 2020 do cuộc điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, như đã thảo luận trong Báo cáo nhanh ngày 23/2/2021, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, hiện đã quyết định MPC trên thực tế không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào. Do đó, chúng tôi kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi đáng kể từ năm 2021 trở đi.
Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể
Tỷ suất lợi nhuận gộp trong Q4/2020 tăng đáng kể lên 8,4% so với 6,6% trong Q4/2019. Theo Công ty, thành công của công nghệ hệ thống nuôi trồng thủy sản bán tuần hoàn, được gọi là “công nghệ nuôi 2-3-4” tại các khu nuôi tôm Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang đã giúp tăng ổn định nguồn tôm tươi nguyên liệu tự cung cấp trong Q4/2020 so với Q4/2019.
Nhờ đó, giá nguyên liệu đầu vào trong Q4/2020 giảm 12-15% so với Q4/2019, giúp giảm giá vốn và tăng tỷ suất lợi nhuận gộp chung. Trong cả năm 2020, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 10,3% so với 9,9% trong năm 2019.
Chi phí tài chính giảm 56,5%
Chi phí tài chính Q4/2020 giảm 56,6% so với cùng kỳ xuống 25 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm 9,8% so với cùng kỳ xuống 19 tỷ đồng và chi phí tài chính khác giảm 82,9% so với cùng kỳ xuống 38 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập tài chính tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ lên 43 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu nhập lãi tăng 52,1% so với cùng kỳ lên 39 tỷ đồng. Do đó, lãi thuần từ HĐ tài chính Q4/2020 đạt 18 tỷ đồng so với lỗ thuần từ HĐ tài chính 17 tỷ đồng trong Q4/2019.
Trong cả năm 2020, lãi thuần từ HĐ tài chính đạt 73 tỷ đồng so với lỗ 135 tỷ đồng trong năm 2019. Nhìn chung, lợi nhuận thuần năm 2020 tăng trưởng 40,0% lên 617 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần giảm 15,7% xuống 14.334 tỷ đồng.
Định giá và khuyến nghị
Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với MPC lên Mua vào (từ Tăng tỷ trọng) và tăng 63,9% giá mục tiêu lên 47.700đ (tiềm năng tăng giá 28,2%) từ 29.100đ trước đó. Điều này chủ yếu do chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận và giảm giả định chi phí vốn.
MPC hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 là 9,8 lần, thấp hơn 9% so với bình quân P/E dự phóng 1 năm là 10,8 lần (trong 3 năm qua). Cổ tức tiền mặt dự kiến là 1.500đ/cp, tương ứng tỷ suất cổ tức là 4,3% theo thị giá cổ phiếu hiện tại.
Chúng tôi sử dụng phương pháp DCF để xác định giá mục tiêu cho Cổ phiếu MPC. Chúng tôi tăng 63,9% giá mục tiêu lên 47.700đ, tiềm năng tăng giá 28,2% so với thị giá hiện tại. Kết quả này phản ánh những thay đổi giả định như sau:
- Chúng tôi nâng lần lượt 11,3% và 13,2% dự báo lợi nhuận thuần năm 2021 và 2022.
- Giả định về lãi suất phi rủi ro giảm từ 4,5% trước đây xuống 3% dựa trên mức bình quân lợi suất lịch sử 1 năm và dự báo lợi suất 2 năm của TPCP Việt Nam kỳ hạn 10 năm. Với lãi suất phi rủi ro 3%, phần bù rủi ro vốn CSH không đổi là 7% và tốc độ tăng trưởng dài hạn là 2%, Chi phí vốn bình quân là 7,2% so với 8,4% trước đây.
- Chúng tôi cũng tăng tỷ lệ tăng trưởng dài hạn của MPC lên 2% từ 1% trước đây, phản ánh tốt hơn triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tôm sau đại dịch COVID-19.
Cổ tức ổn định ở mức 1.500đ/cp với tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 30-37% cho giai đoạn 2021-2023. Tại thị giá hiện tại, tỷ suất cổ tức bằng tiền mặt là 4,3%.
Tại giá mục tiêu theo phương pháp DCF, P/E dự phóng 2021 và 2022 lần lượt là 12,6 lần và 11,1 lần, cao hơn một chút so với P/E dự phóng bình quân 1 năm là 10,8 lần (trong 3 năm qua).
Với triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu được nới lỏng và gỡ bỏ thuế chống bán phá giá tại Mỹ, hiệu suất của cổ phiếu được dự báo sẽ khả quan. Chúng tôi nâng khuyến nghị lên Mua vào nhờ triển vọng vững chắc năm 2021 và 2022 và mức định giá hợp lý.
Bảng 7: Mô hình DCF, MPC
Bảng 8: Tính toán WACC
Bảng 9: Định giá DCF
Bảng 10: Phân tích độ nhạy đối với giá mục tiêu
Nguồn: HSC