Sự kiện: Công bố BCTC Q1/2024
Vào ngày 25/4/2024, HPG đã công bố BCTC Q1/2024. KQKD Q1/2024 tích cực với lợi nhuận thuần đạt 2.871 tỷ đồng (tăng 7,2 lần so với cùng kỳ) và sát với dự báo của HSC ở mức 2.936 tỷ đồng. Lợi nhuận HĐKD cốt lõi thậm chí còn tăng mạnh hơn, đạt 2.959 tỷ đồng, chuyển biến mạnh mẽ so với cùng kỳ (Q1/2023 HPG ghi nhận lỗ HĐKD cốt lõi 485 tỷ đồng) và tăng 2% so với quý trước. Với kết quả này, HPG đã đạt 23,5% dự báo lợi nhuận thuần cho cả năm 2024 của HSC ở mức 12,3 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 79,4%).
Doanh thu thuần tăng vững chắc nhờ nhu cầu xuất khẩu cải thiện
Kết quả 30,9 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần của Q1/2024 (tăng 16% so với cùng kỳ) có được là nhờ tổng sản lượng tiêu thụ tăng 29% so với cùng kỳ đạt 2,1 triệu tấn khi nhu cầu xuất khẩu HRC tăng. Chi tiết cụ thể như sau:
- Doanh thu xuất khẩu tăng gấp ba lần so với cùng kỳ đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, đóng góp 40% doanh thu hợp nhất, cao hơn mức đóng góp 15% trong Q1/2023.
- Ngược lại, doanh thu trong nước kém tích cực (không quá ngạc nhiên vì thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phục hồi) đạt 18,4 nghìn tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ). Kết quả là mức đóng góp của thị trường trong nước vào doanh thu chung giảm xuống còn 60% từ 85% cùng kỳ năm ngoái.
- So sánh theo quý, doanh thu thuần Q1/2024 giảm 10,3% do sản lượng tiêu thụ giảm 13% so với quý trước (do Q4 thường là mùa cao điểm trong năm trong khi Q1 là một trong những quý thấp điểm do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết). Doanh thu của thị trường trong nước giảm 23,9% so với quý trước, trong khi doanh thu xuất khẩu tăng 23,8%. Kết quả này nâng tỷ trọng đóng góp của doanh thu xuất khẩu lên 40%, từ 29,4% trong Q4/2023.
Mảng thép đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của HPG với tỷ lệ 93%, tiếp theo là mảng nông sản (5%) và mảng BĐS (2%).
Bảng 1: Tóm tắt KQKD Q1/2024, HPG
Tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ công suất hoạt động nhà máy cao
Các nhà máy của HPG đã hoạt động 100% công suất trong Q1/2024, cao hơn nhiều so với mức 42% và 84% lần lượt trong Q1/2023 và Q4/2023. Nhờ đó, sản lượng được cải thiện, cùng với việc quản lý chi phí đầu vào hiệu quả hơn đã giúp HPG giảm chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm. Chúng tôi lưu ý rằng khả năng tự cung cấp năng lượng tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (DQSC) (dự kiến đạt được từ Q4/2023) đã giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng, góp phần giảm chi phí sản xuất.
Những yếu tố trên đã giúp tỷ suất lợi nhuận gộp HĐKD cốt lõi trong Q1/2024 của HPG (không bao gồm trích lập dự phòng hàng tồn kho) ước tính tăng lên 13,5% từ 12,6% trong Q4/2023 và 2,7% trong Q1/2023 (Bảng 1).
Các khoản mục quan trọng khác trong KQKD Q1/2024
Lãi suất giảm giúp chi phí lãi vay của HPG giảm 35,8% so với cùng kỳ (và giảm 10,6% so với quý trước) xuống 636 tỷ đồng mặc dù dư nợ vay ngân hàng tăng 18,6% so với đầu năm và 27,7% so với cùng kỳ lên 77,5 nghìn tỷ đồng tính đến cuối Q1/2024. Nhờ đó, lỗ tài chính giảm xuống 309 tỷ đồng trong Q1/2024 từ 427 tỷ đồng trong Q1/2023 và 395 tỷ đồng trong Q4/2023.
Nhìn chung, chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh 26% so với cùng kỳ lên 958 tỷ đồng do doanh thu xuất khẩu tăng. Do đó, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu tăng lên 3,1% từ 2,8% trong Q1/2023 và 2,2% trong Q4/2023. Trong khi đó, do tỷ giá USD/VNĐ tăng, HPG ghi nhận lỗ tỷ giá 92 tỷ đồng trong Q1/2024 so với lãi tỷ giá lần lượt 60 tỷ đồng và 69 tỷ đồng trong Q4/2023 và Q1/2023.
Lợi nhuận khác – từ việc thanh lý tài sản, giúp công ty ghi nhận lãi 370 tỷ trong kỳ.
Hàng tồn kho: Tính đến cuối Q1/2024, giá trị hàng tồn kho tăng 8,2 nghìn tỷ đồng lên 42,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng mạnh do hai yếu tố: (1) giá trị thành phẩm tăng 40% (tương đương 3,7 nghìn tỷ đồng), sản lượng thép xây dựng tăng trước mùa cao điểm Q2/2024; và (2) có thêm thiết bị và vật tư sản xuất (trị giá 6,4 nghìn tỷ đồng) chuẩn bị cho công tác xây DQSC giai đoạn 2.
Điều này cho thấy, tồn kho nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh giá đầu vào giảm, tương đương 62 ngày – mức thấp kỷ lục. HPG đã liên tục duy trì chính sách giảm thiểu mua sắm nguyên vật liệu trong hai năm qua nhằm giảm nhu cầu vốn lưu động.
Vốn vay ngân hàng: HPG bắt đầu sử dụng vốn vay dài hạn để tài trợ cho DQSC giai đoạn 2. Kết quả là tổng nợ vay ngân hàng tăng lên 77,5 nghìn tỷ đồng (tăng 18,6% so với đầu năm) và nợ thuần tăng lên 42,8 nghìn tỷ đồng (tăng 38,3% so với đầu năm). Tỷ lệ nợ thuần/vốn CSH tăng lên 0,4 lần so với 0,3 lần tại thời điểm cuối năm 2023.
Duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với Cổ phiếu HPG với giá mục tiêu không đổi 37.800đ (tiềm năng tăng giá 32%). Chúng tôi cũng giữ nguyên các dự báo.
Biểu đồ 2: Giá thép xây dựng (đồng/kg), HPG
Biểu đồ 3: Giá HRC (USD/tấn), HPG
Nguồn: HSC
Tuyên bố miễn trách nhiệm: Báo cáo chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và nhà đầu tư chỉ nên sử dụng báo cáo phân tích này như một nguồn tham khảo. Dautucophieu.net sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước nhà đầu tư cũng như đối tượng được nhắc đến trong báo cáo này về những tổn thất có thể xảy ra khi đầu tư hoặc những thông tin sai lệch về doanh nghiệp.