DANH MỤC

Mobile / Zalo: 0912 842 224
Đầu tư Cổ phiếu Group Facebook

Cập nhật cổ phiếu EIB – Kế hoạch với LNTT đạt 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 57%

Lượt xem: 1,878 - Ngày:
Chia sẻ

Nhận định ĐHCĐTN và KQKD Q1 – KQKD Q1 của EIB tăng mạnh nhờ hạch toán lợi nhuận đột biến. Triển vọng không thực sự khả quan. Eximbank (EIB: Khả quan) đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 27/4/2018. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình, gồm kế hoạch kinh doanh năm 2018 với LNTT tăng trưởng 57% đạt 1.600 tỷ đồng. Lợi nhuận này đã bao gồm 521 tỷ đồng lãi không thường xuyên từ thoái vốn khỏi STB. Nếu không tính khoản lãi này thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính dự kiến tăng trưởng nhẹ 6,3% đạt 1.079 tỷ đồng.

Đồ thị cổ phiếu EIB phiên giao dịch ngày 08/05/2018. Nguồn: AmiBroker

Đồ thị cổ phiếu EIB phiên giao dịch ngày 08/05/2018. Nguồn: AmiBroker

EIB đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn cho năm 2018 với LNTT đạt 1.600 tỷ đồng (tăng trưởng 57%). Trong đó gần 1/3 (512 tỷ đồng) là lợi nhuận không thường xuyên hạch toán từ thoái vốn khoản đầu tư vào cổ phiếu STB. Khoản lãi không thường xuyên này đã được hạch toán hết trong Q1/2018. Giả định của EIB đằng sau kế hoạch kinh doanh đề ra là:

• Tài sản tăng trưởng 19% đạt 178 nghìn tỷ đồng;
• Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 26% đạt 148 nghìn tỷ đồng;
• Cho vay khách hàng tăng trưởng 12% đạt 113,56 nghìn tỷ đồng;
• Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
• LNTT đạt 1.600 tỷ đồng (tăng trưởng 57%). Trong tổng lãi từ thoái vốn khoản đầu tư vào cổ phiếu STB, có 126 tỷ đồng đã được hạch toán vào năm ngoái và 521 tỷ đồng còn lại được hạch toán trong Q1/2018. Theo đó, nếu không tính khoản lãi không thường xuyên, thì theo kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính chỉ tăng trưởng 6,3%.

Tại thời điểm cuối năm 201, các tỷ lệ an toàn tài chính đáp ứng quy định của NHNN. Cụ thể:

• Hệ số LDR tính theo Thông tư 36 đạt 76,71% (mức trần theo quy định của NHNN là 80%).
• Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn là 32,19% (mức trần theo quy định của NHNN là 45%). Trước đó tỷ lệ này ở EIB thường là 40-45%. Tuy nhiên trong năm 2017, Ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh huy động tiền gửi trung dài hạn để cải thiện tỷ lệ trên. Và điều này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ NIM.
• Tại thời điểm cuối năm 2017 hệ số CAR hợp nhất tính theo Basel 1 là 15,98% (mức tối thiểu theo quy định của NHNN là 9%). Tỷ lệ vốn tự có cao là do tài sản giảm trong những năm qua do Ngân hàng tiến hành tái cấu trúc.

Cổ đông đã bầu thêm một đại diện từ Ngân hàng Nam Á vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, theo đó số lượng thành viên HĐQT đã tăng từ 9 lên 10 thành viên. Thành viên mới được bổ nhiệm là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên TGĐ của Ngân hàng Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2018. Theo đó, sau 2 năm nỗ lực, một dại điện của Ngân hàng Nam Á cuối cùng đã được NHNN và cổ đông EIB chấp thuận trở thành thành viên HĐQT của Eximbank.

Ngân hàng đã khởi kiện nhân viên cũ nhằm thu hồi tiền gửi của khách hàng đã bị chiếm đoạt. Theo lãnh đạo EIB, Ngân hàng hiện đang khởi kiện một số nhân viên cũ nhằm lấy lại tiền đã bị chiếm đoạt trong khoảng thời gian vài năm. Tổng số tiền khoảng 250 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Ngân hàng sẽ dựa trên thủ tục pháp lý hiện hành và chờ quyết định cuối cùng của tòa án về nghĩa vụ của Ngân hàng trước khi bồi thường cho khách hàng.

LNTT Q1 đạt 560 tỷ đồng (tăng 228,67% so với cùng kỳ), trong đó khoản lãi từ thoái vốn khoản đầu tư vào STB đóng góp phần lớn – trên thực tế nếu không tính khoản lãi không thường xuyên 521 tỷ đồng thì LNTT từ hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 38,53 tỷ đồng (giảm 77,38% so với cùng kỳ). Cho dù chi phí dự phòng trích lập trong Q1 ở mức khá thấp là 151 tỷ đồng (tăng 13,92% so với cùng kỳ). Theo đó những nhân tố chính làm cản trở sự hồi phục vẫn là (1) tỷ lệ NIM thấp, là 1,98% trong khi Q1/2017 là 2,31% à (2) thu nhập ngoài lãi không tăng.

Cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,61% so với đầu năm còn 100,70 nghìn tỷ đồng. Trong đó:

• Cho vay kỳ hạn ngắn và kỳ hạn trung bình lần lượt giảm tiếp 5,07% so với đầu năm còn 44,31 nghìn tỷ đồng và 5,30% so với đầu năm còn 11,69 nghìn tỷ đồng.
• Cho vay kỳ hạn dài tăng 5,69% so với đầu năm lên 44,69 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng khá. Tuy nhiên tiền gửi giảm đã làm chậm quá trình này.

Tiền gửi khách hàng giảm mạnh 4,01% so với đầu năm xuống còn 112,83 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng không có kế hoạch giảm huy động và chúng tôi suy đoán rằng thông tin trên truyền thông về vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng đã khiến nhiều khách hàng gửi tiền chuyển sang gửi ở ngân hàng khác. Cụ thể:

• Tiền gửi có kỳ hạn giảm 3,53% so với đầu năm xuống còn 96,88 nghìn tỷ đồng (đóng góp 85,87% tổng vốn huy động, vào Q1/2017 là 86,46%).
• Tiền gửi không kỳ hạn giảm 6,6% so với đầu năm xuống còn 15,14 nghìn tỷ đồng (đóng góp 14,13% tổng vốn huy động, vào Q1/2017 là 13,54%).

Theo đó, tổng tài sản sinh lãi chỉ tăng 9,48% so với cùng kỳ nhưng giảm 3,4% so với đầu năm xuống còn 132,25 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ NIM tiếp tục giảm xuống còn 1,98% – từ 2,31% tại thời điểm cuối Q1/2017 và 2,1% tại thời điểm cuối năm 2017. Lợi suất gộp giảm 0,37% còn 6,71% trong khi chi phí huy động tăng 0,03% lên 4,96%.

Chúng tối thấy có sự thay đổi sau ở lợi suất gộp của các tài sản sinh lãi – lợi suất gộp cho vay khách hàng chỉ tăng 0,03% so với cùng kỳ lên 8,18%. Trong khi đó lợi suất gộp cho vay liên ngân hàng giảm 1,28% xuống còn 1,51%. Lợi suất gộp đầu tư trái phiếu giảm 1,91% xuống chỉ còn 2,86%; là mức thấp nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Và điều này có thể được lý giải là do:

(1) Tỷ trọng trái phiếu VAMC với lãi suất 0% trong tổng danh mục trái phiếu là rất cao, chiếm tới 29,17%.
(2) Trong Q1/2018, có 3.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn do một TCTD khác phát hành với lợi suất coupon cao, khoảng 10% đã đáo hạn.
(3) Lợi suất trái phiếu tái đầu tư trong Q1/2018 có lẽ đã rất thấp, từ 2,42% cho kỳ hạn 1 năm đến 4,91% cho kỳ hạn 15 năm.

Về huy động, chúng tôi lưu ý những biến động chính sau;

• Chi phí huy động khách hàng tăng 0,31% lên 5,05%. EIB tăng huy động trung và dài hạn để cải thiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2017. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ vụ việc phát sinh gian lận, Ngân hàng phải áp dụng mức lãi suất huy động cao hơn thông thường.
• Lãi suất vay liên ngân hàng giảm 0,67% xuống 2,68%.
• Chi phí huy động bình quân các giấy tờ có giá giảm mạnh 10,45% xuống chỉ 2,61%. EIB phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cấp 2 trong năm 2012 với kỳ hạn 10 năm và có điều khoản mua lại sau 5 năm. Số trái phiếu này được phát hành cho một ngân hàng khác. Đổi lại, EIB mua 3.000 tỷ đồng trái phiếu cấp 2 do ngân hàng này phát hành. Số trái phiếu này đã đáo hạn và EIB cũng đã mua lại số trái phiếu mà Ngân hàng đã phát hành. Điều này dẫn đến hai tác động: lợi suất gộp của danh mục trái phiếu và chi phí huy động các giấy tờ có giá giảm. Và dĩ nhiên, hệ số CAR theo Basel 1 cũng bị ảnh hưởng.

Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 2,92% so với cùng kỳ còn 667 tỷ đồng.

Tổng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 361% so với cùng kỳ lên 679 tỷ đồng – Tuy nhiên, đóng góp phần lớn là khoản lợi nhuận không thường xuyên 521 tỷ đồng từ thoái vốn tại STB. Không tính đến khoản lợi nhuận thoái vốn này, tổng thu nhập ngoài lãi chỉ là 157,81 tỷ đồng (giảm 2,85% so với cùng kỳ) và đây là con số rất khiêm tốn so với tài sản của EIB.

Chi phí hoạt động tăng 19,55% so với cùng kỳ lên 635 tỷ đồng – Trong đó;

• Chi phí liên quan đến nhân viên tăng mạnh 31,66% so với cùng kỳ lên 420 tỷ đồng (chiếm 66,20% tổng chi phí hoạt động). Chi phí lương tăng do lương bình quân hàng tháng cho nhân viên tăng 26,59% so với cùng kỳ từ 18,22 triệu đồng/tháng lên 23,07 triệu đồng/tháng. Trong hai năm qua, EIB đã nỗ lực cắt giảm chi phí cho nhân viên. Và sau khi đã thành công xóa lỗ lũy kế, Ngân hàng cho rằng cần áp dụng chính sách lương thưởng cạnh tranh hơn.
• Chi phí liên quan đến tài sản giảm nhẹ 6,58% so với cùng kỳ xuống 98 tỷ đồng (chiếm 15,51% tổng chi phí hoạt động).
• Các chi phí quản lý khác tăng 26,17% so với cùng kỳ lên 83 tỷ đồng (chiếm 13,13% tổng chi phí hoạt động).

Chi phí dự phòng tăng nhẹ 13,92% so với cùng kỳ lên 151 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí dự phòng trong Q1 là chi phí dự phòng cụ thể đối với các khoản nợ thông thường. EIB không trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong Q1 năm nay. Mặc dù vậy, Ngân hàng hiện vẫn nắm giữ 5.973 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC và lộ trình trích lập dự phòng cho số trái phiếu này là 10 năm (10% mỗi năm). Như vậy, EIB sẽ phải trích lập khoảng 600 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC trong năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 2,32% (vào cuối năm 2017 là 2,27%). Nợ xấu hình thành mới trong Q1/2018 là 38,59 tỷ đồng. EIB đã không xử lý bất kỳ khoản nợ nhóm 5 nào trong Q1 năm nay trong khi đó hệ số LLR tăng nhẹ lên 51,79% từ 45,95% vào cuối năm 2017.

• Nợ nhóm 2 chiếm 0,61% tổng dư nợ (tăng 36,2% so với đầu năm lên 610 tỷ đồng).
• Nợ nhóm 3 chếm 0,88% tổng dư nợ (giảm 0,3% so với đầu năm xuống 811 tỷ đồng).
• Nợ nhóm 4 chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ (giảm 26,5% so với đầu năm xuống 259 tỷ đồng).
• Nợ nhóm 5 chiếm 1,19% tổng dư nợ (tăng 12,7% so với đầu năm lên 1.195 tỷ đồng).

Theo đó, LNTT Q1 đạt 560 tỷ đồng (tăng 228,67% so với cùng kỳ).

Hệ số CAR giảm xuống 14,6% (cuối năm 2017 là 15,98%) – mặc dù cho vay khách hàng và tổng tài sản sinh lãi giảm nhưng do Ngân hàng mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành trước đó nên CAR vẫn sụt giảm.

Cho năm 2018, HSC dự báo LNTT tăng trưởng 59,25% đạt 1.620 tỷ đồng LNTT. Dĩ nhiên dự báo của chúng tôi đã bao gồm đóng góp từ các khoản lợi nhuận không thường xuyên. Tuy vậy, hiện chúng tôi không đưa ra bất kỳ giả định nào về khả năng phát sinh lỗ liên quan đến vụ kiện hiện tại. Do thời gian phán quyết và kết luận của tòa án là chưa rõ ràng. Dự báo của chúng tôi căn cứ vào các giả định sau đây:

(1) HSC dự báo cho vay khách hàng tăng trưởng 18,24% và đạt 119,81 nghìn tỷ đồng và huy động khách hàng tăng trưởng 17%, đạt 137,52 nghìn tỷ đồng. Mặc dù Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng cho vay khách hàng 12%, thấp hơn tăng trưởng huy động khách hàng, là 26%, chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng của cả cho vay và huy động sẽ ở mức tương đương nhau.

(2) Do đó, hệ số LDR thuần dự báo là khoảng 87%.

(3) Chúng tôi dự báo tỷ lệ NIM tăng 0,15% lên 2,25% (năm 2017 là 2,10%). Nhờ cơ cấu cho vay tốt hơn và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn.

(4) Thu nhập lãi thuần dự báo tăng trưởng 27,14% đạt 3.391 tỷ đồng.

(5) Chúng tôi giả định rằng tổng thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 44,35% đạt 1.675 tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp lớn từ thu nhập từ thoái vốn tại STB và thu hồi nợ xấu.

(6) HSC dự báo chi phí hoạt động sẽ tăng 6% lên 2.338 tỷ đồng.

(7) Chúng tôi cũng dự báo tổng chi phí dự phòng sẽ tăng 77,72% lên 1.074 tỷ đồng gồm 475 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu thông thường (giảm 17,81%) và 599 tỷ đồng là dự phòng trái phiếu VAMC (với mệnh giá 5.991 tỷ đồng). Chúng tôi không bao gồm khả năng thu hồi nợ liên quan đến trái phiếu VAMC ở đây do đây là yếu tố khó để dự báo.

Do đó, LNTT dự báo đạt 1.620 tỷ đồng (tăng trưởng 59,25%). Với những giả định trên, BVPS là 12.600đ, tương đương EPS2018 là 997đ, ROE là 8,7% và ROAA là 0,8%. Ở thị giá hiện tại là 15.000đ, P/B dự phóng là 1,19 lần và P/E là 15 lần.

Quan điểm đầu tư – Tiếp tục đánh giá Khả quan. Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 18.800đ, tương đương P/B dự phóng 2018 là 1,5 lần. Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi do những vấn đề về tài sản tồn đọng và sau đó sẽ xuất hiện thêm các động lực hỗ trợ giá cổ phiếu trung và dài hạn. Tuy nhiên, có vẻ như Ngân hàng đã có những bước tiến chắc chắn sau một vài năm trì trệ. Vụ lừa đảo như đề cập trên đây là trở ngại với Ngân hàng nhưng nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2018 do tiến độ xử lý các vấn đề pháp lý thường kéo dài. Và đây cũng chỉ là yếu tố bất thường. Giá cổ phiếu tăng chậm hơn đáng kể so với toàn ngành và với những tiến triển mà Ngân hàng đã đặt được, cổ phiếu xứng đáng với mức định giá cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn đọng và do đó triển vọng của Ngân hàng vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Nguồn: Research HSC

CÁC TIN LIÊN QUAN

Đối tác

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Mở tài khoản
Góp ý