Tăng trưởng tín dụng phân hóa giữa các ngân hàng
Kết thúc tháng Chín, tăng trưởng tín dụng của 14 ngân hàng niêm yết đạt 11% YTD, tức tổng tăng trưởng tín dụng trong quý 3 của các ngân hàng niêm yết đạt xấp xỉ hai điểm phần trăm. Mức tăng trưởng tín dụng trong quý 3 có sự phân hóa. Theo đó, những ngân hàng hầu như không tăng trưởng xét về chỉ tiêu cho vay khách hàng là những ngân hàng nhỏ như EIB, KLB, hay SHB. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn có mức tăng trưởng tín dụng khả quan so với mức bình quân của các ngân hàng niêm yết, với mức tăng của BID, CTG và VCB đạt lần lượt 4,9, 2,6, và 3,5 điểm phần trăm. Với đặc điểm là ngân hàng có sở hữu Nhà nước, các ngân hàng quốc doanh còn có vai trò hỗ trợ NHNN trong việc bình ổn thị trường tiền tệ. Do vậy, để góp phần giúp NHNN ổn định lãi suất như mục tiêu xuyên suốt của năm 2018, không loại trừ khả năng có một lượng tín dụng lớn được cấp cho các lĩnh vực có vai trò lớn trong nền kinh tế. Để bù đắp, lượng tiền gửi từ KBNN tại ba ngân hàng này cũng tăng mạnh, hơn 16% so với thời điểm cuối quý 2.
Với đặc điểm hoạt động cho vay phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, và hàng không, tăng trưởng tín dụng của TCB cũng tăng mạnh trong quý 3, đạt 12,6% YTD (Q2/2018: 2,3% YTD). Bởi lẽ mức tăng trưởng mạnh trong quý 3/2018 của TCB chủ yếu được đóng góp bởi sự tăng lên của trái phiếu doanh nghiệp, thì chúng tôi cho rằng tín dụng trong quý 3/2018 của TCB phần lớn được cấp cho các doanh nghiệp trên. TCB cũng là trường hợp đầu tiên công bố được tăng hạn mức tín dụng năm 2018 lên 20% từ hạn mức 15% trước đó.
Nhóm ngân hàng niêm yết mà chúng tôi thống kê chiếm hơn 50% thị phần tín dụng toàn ngành. Do vậy, mặc dù không có số liệu chính thức của NHNN về mức tăng trưởng tín dụng 9T2018, chúng tôi cho rằng mức tăng chung của ngành cũng xoay quanh mức 11%. Như vậy, cho quý cuối năm thì ngành ngân hàng còn khoảng 391 ngàn tỷ đồng tín dụng để cho vay ra nền kinh tế trong quý 4. So sánh với nhu cầu vốn trong quý 4 của các năm liền trước thì chúng tôi cho rằng hạn mức trên sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng của toàn nền kinh tế trong quý 4/2018. Theo đó, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 sẽ xoay quanh mức 16,5 – 17%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng, tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và đầu ra cho dòng vốn.
Kết thúc 9T2018, tổng LNTT của các ngân hàng niêm yết tăng trưởng hơn 28% YoY. Ngoại trừ VPB thì hầu hết các ngân hàng đã hoàn thành hơn ¾ mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động mà chúng tôi thống kê chỉ đạt hơn 22% YoY. Điều này cho thấy LN tăng trưởng mạnh trong năm 2018 chủ yếu nhờ các khoản chi phí, trong đó đáng kể nhất là chi phí DPRR tín dụng đã giảm đáng kể ở một số ngân hàng (ACB, TCB, v.v…). Một số ngân hàng khác ghi nhận tăng trưởng thu nhập cao nhờ thu nhập bất thường từ phí độc quyền bảo hiểm chẳng hạn. Trong khi đó, thu nhập lãi, yếu tố đóng góp hơn 70% thu nhập của ngân hàng chỉ tăng trưởng khoảng 16%, và khả năng tăng trưởng mạnh trong năm 2019 là khó khả thi khi mà NHNN siết dần mức tăng trưởng tín dụng. Do vậy, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có nền tăng trưởng cao trong năm 2018, nhờ chi phí DPRR tín dụng giảm và ghi nhận lợi nhuận đột biến, sẽ khó có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Một số ngân hàng khác, dự kiến sẽ hoàn thành nghĩa vụ trích lập DPRR trái phiếu đặc biệt, thì vẫn có khả năng tăng tưởng cao trong năm 2019. Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng do đó nhìn chung sẽ có sự phân hóa trong năm 2019.
Chi phí DPRR tín dụng giảm mạnh ở các ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2017 như ACB và TCB. Ở chiều ngược lại, chi phí trích lập DPRR vẫn tăng mạnh ở các ngân hàng như BID, CTG, MBB, và VPB.
- Đối với trường hợp của BID và CTG, nguyên nhân do trích lập DPRR cho cả trái phiếu đặc biệt và VAMC. Trong khi xu hướng trích lập DPRR ở trường hợp của CTG khớp với kỳ vọng của chúng tôi, rằng ngân hàng sẽ mạnh tay trích lập DPRR nợ nội bảng sau khi mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt trong nửa đầu năm 2018. Mức trích lập, mặc dù vậy, cao hơn đáng kể so với kỳ vọng của chúng tôi.
- Đối với trường hợp MBB và VPB, chúng tôi cho rằng chi phí DPRR tăng mạnh bởi lẽ cả hai ngân hàng cùng mở rộng sang mảng cho vay không tài sản đảm bảo, MCredit đối với MBB và CommCredit đối với VPB.
So sánh với mức PB bình quân của các ngân hàng trong khu vực, định giá các ngân hàng Việt Nam là không rẻ so với các ngân hàng trong khu vực. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ trong nước đang dần thắt chặt và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có khuynh hướng đảo chiều so với giai đoạn cuối năm 2017, thì mức định giá cao tương đối so với khu vực sẽ khiến các ngân hàng Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với dòng tiền hơn.
Tuy vậy, điểm tích cực là khi thống kê biến động của tỷ lệ VHTT/tiền gửi, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ này đã giảm xuống mức rất thấp so với mức bình quân ba năm gần đây. Điều này hàm ý mức độ đầu cơ đã giảm rất mạnh so với đỉnh. Thêm vào đó, so với mức biến động PB bình quân trong ba năm của các ngân hàng niêm yết, chỉ tiêu về PB cho thấy định giá của các ngân hàng đang ở mức hợp lý hợp lý hơn so với giai đoạn bùng nổ đầu năm. Do vậy, chúng tôi cho rằng việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại sẽ phù hợp cho mục tiêu dài hạn, hơn là cho mục đích tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Nguồn:VDSC